2012/11/22

Fiona Apple tuổi ba mươi







Chất giọng alto buồn bã của Fiona từng được so sánh với Nina Simone nhưng "quả táo dại" quyến rũ hơn nhiều với đôi mắt xanh to tròn luôn mở rộng và chiếu ánh nhìn thẳng vào người đối diện. Thật khó để bình thản trước giọng hát và đôi mắt buồn như thế! Nhưng đó là Fiona Apple những năm hai mươi, mảnh khảnh như Kate Moss vì chứng chán ăn, bị ám ảnh tự tử nặng, có thói quen tự làm tổn thương bản thân, rất cực đoan với các vấn đề xã hội và được xem như biểu tượng của thế hệ trẻ Mỹ "mất mát niềm tin" những năm cuối thế kỷ 20. 

 Chất nhạc của Fiona những năm ba mươi vẫn day dứt ám ảnh, nhưng bình thản hơn. Thật khó hình dung cô gái đập phá ngày nào từng tuyên bố không bao giờ sinh con nay lại tuyên bố ước muốn bình dị là chăm sóc những đứa trẻ. "The Idler Wheel" có thể xem như một góc nhìn khác của Fiona về tuổi thơ của mình, so với những ca từ đầy chết chóc, cô đơn hay ám chỉ thế giới xấu xa trong album đầu tay. Album này cũng thể hiện sự đột phá khi Fiona không ngần ngại thử nghiệm fusing jazz cho chất giọng khàn đặc trưng. Các bài hát được sắp xếp ngẫu hứng, mang tới bất ngờ cho người nghe: Cách nhả âm run rẩy trong "Every single night" khiến người nghe phát sốt vì thương cảm, tiếng trống jazz của Charley Drayton hòa với tiếng segues đầy phấn khích trong "Left Alone", cách sử dụng điệp khúc đôi của blue cổ điển trong "Hot knife"... 7 năm ở ẩn để ra được tuyệt phẩm này cũng xứng đáng. Ít ra cũng tuyệt vời hơn nhiều sự trở lại làng nhạc của Alain Morissett với "Havoc and Bright Lights".
Bên cạnh những sáng tác với ngôn từ ma mị, Fiona cũng cover thành công các ca khúc của nhiều tên tuổi lớn như Beatles, Cat Stevens,... trong đó mình cực kỳ thích bài "Across the universe", lần nào nghe/xem cũng thấy ám ảnh như hoang tàn đến nơi


.

"This world is bullshit, and you shouldn't model your life on what we think is cool, and what we're wearing and what we're saying." - Fiona Apple (MTV Video Music Award 1997)

2012/11/16

Buổi sáng ở biển ngày bão



Buổi chiều ngồi cafe, tôi sơn móng tay màu xanh nước biển nhạt và nghĩ về Cửa Đại. Chẳng bao giờ nước biển ở đấy xanh mượt mà như màu trên tay tôi, nhưng luôn chứa đựng những cảm xúc bất ngờ chứ không trống rỗng như bàn tay trước mặt. Buổi sáng cuối cùng ở Hội An, tôi ra Cửa Đại với tôi-những-năm-ba-mươi. Trời báo bão, chúng tôi tới biển thì giông gió, sóng lớn dữ dội ngày cuối tháng dễ làm chùn chân bất cứ người khách lạ nào. Bờ biển xám đục cát và cát, vắng và đẹp hoang hoải. Chúng tôi đi chậm rãi và lặng im. Tôi-những-năm-ba-mươi nhìn dải rau muống biển xanh ngắt với những bông hoa tím biếc tỏ vẻ ngạc nhiên vì sức sống của chúng. Tôi bảo sức sống của loài người còn kinh hãi hơn. Cả hai cùng cười và nhìn ra biển. Sóng bạc đầu dưới chân. 

Mưa lớn không ngờ. Bước vào một quán nhiều màu sắc nhưng vương vất sự điêu tàn của mùa vắng khách, chúng tôi ngắm sóng biển trồi lên trong bão như con ngựa bất kham. Buổi sáng sớm vốn không thích hợp cho những câu chuyện kể. Nhưng những bình cúc đang tàn vương vãi khắp các bàn làm tôi xúc động. Trao đổi vụn vặt về sự khác biệt với số đông, những chuyến đi một mình và tình yêu, chúng tôi tránh nói đến cảm giác đơn độc. Tôi thấy những chân trời mở ra trong cơn bão và nỗi buồn trong tôi-những-năm-ba-mươi. 

Sóng đã dâng cao chạm đến những ngọn rau muống biển. Từ trên rẻo đất cao nhìn xuống, biển thi thoảng đổi màu bởi khoảng sáng lạ lùng từ phía đông hắt về, nhưng vẫn dữ dội như con ngựa bất kham.
Hình như ngựa bất kham tuổi nào cũng như nhau!


2012/11/07

Đời chẳng là gì đâu em

Có lần Vân Anh số 2 bảo "Chị sợ em cứ sống một mình như thế sẽ quen đi, đến mức quên mất mình cần một ai đó ở bên cạnh". Còn Vân Anh số 1 chẳng bao giờ bảo gì tôi, chỉ bắt tôi đi xe bus lên Giảng rồi mua kem cam, hồi đấy vẫn giá một ngàn đồng, cho tôi ăn rồi hai chị em lẳng lặng uống cafe trứng ngắm phố Hàng Gai lên đèn.

.
Bỗng nhiên tôi nhớ Vân Anh số 1 và Vân Anh số 2 thế. Vân Anh số 1 hay bảo Vân Anh số 2 là đàn bà gì khổ thế, sao ba mấy tuổi rồi vẫn thích đọc sách rồi vận vào cái số. Vân Anh số 1 lúc ấy mới gần ba mươi. Giờ cũng mới ngoài ba mươi tuổi, không biết Vân Anh số 1 còn thích đọc sách không. Vân Anh số 2 gần bốn mươi tuổi vẫn thích đọc sách, giờ vẫn thi thoảng nhắn tin cho tôi bảo có sách gì hay nhớ để dành cho chị. 

Bỗng nhiên tôi nhớ Vân Anh số 2 và Vân Anh số 1 thế. Vân Anh số 2 hay bảo Vân Anh số 1 là con gái gì hay ho thế, cỡ như nó chắc zai chết hàng đàn, nhưng thông minh quá lại thích đọc sách rồi cũng khổ. Vân Anh số 2 thông minh và khác lạ nhất đám bạn bè 7x cùng lứa, lúc nào cũng có thể làm các anh luật sư, giám đốc xung quanh sốc lên sốc xuống. Còn Vân Anh số 1 từng làm không biết bao zai tức tối vì bị lừa, vì bị há miệng mắc quai. Chẳng ai tin nổi Vân Anh số 1 lại yêu và cưới một người không liên quan - một người đàn ông bình thường đúng nghĩa, không sách vở không nhạc nhẽo cũng chẳng thích chém gió trên mạng. Sau khi lấy chồng, Vân Anh số 1 tuyệt nhiên không bao giờ nói chuyện về sách vở, nhạc nhẽo, tuyệt nhiên không bao giờ đi chơi đêm hay hút thuốc, uống rượu. 

Sao tối nay tôi nhớ Vân Anh thế? Số 1 và số 2 của cuộc đời tôi, giờ đã yên ổn trong dĩ vãng Hà Nội hoặc không muốn làm tôi bận lòng mà lúc nào gặp cũng tươi hơn hớn như đời chẳng là gì. Ừ, đời có là gì với hai người đàn bà sắc sảo như thế. Đau khổ thì khóc, thì đạp lên mà đi, rồi cười hơn hớn bảo đời chẳng là gì đâu em.

Đời chẳng là gì đâu em! Bất công, mất mát, khổ đau bao nhiêu cũng chẳng là gì so với vẻ đẹp chị thấy mỗi ngày. Vân Anh số 1 bảo rời nhà cũ chỉ tiếc anh chàng hay hát Still got the blue ở đầu ngõ mà tôi canh bao nhiêu lần chẳng bao giờ thấy mặt. Vân Anh số 2 bảo rời nhà cũ chỉ tiếc căn phòng như cái giếng của tôi dán bao nhiêu giấy đen chui vào đấy trốn chồng trốn con thấy vui vui. Tôi thì nhớ đủ thứ, kể ba ngày ba đêm không hết, mà cũng không biết kể cho ai nghe. Vân Anh số 2 bảo tôi cứ viết đi, đừng lo gì hết, chị đây sẽ bắt lũ đàn em ở bưu điện mua bằng sạch. Vân Anh số 1 bảo tôi đừng có viết lách gì, lấy chồng đi cho yên thân, lấy một đứa không sách vở, không nhạc nhẽo gì hết, miễn nó thương mình, tao không tin mày không viết thì không kiếm sống được. Vân Anh số 2 bảo Vân Anh số 1 điên. Vân Anh số 1 bảo Vân Anh số 2 dở hơi.

.
Vân Anh số 1 chưa bao giờ gặp Vân Anh số 2. Cả hai chỉ toàn tranh cãi qua tôi, mặc kệ tôi cười rũ rượi, cười như điên dại mỗi tuần di chuyển từ Vân Anh số 2 qua Vân Anh số 1. Sao ngày hai mươi tôi chăm chỉ di chuyển thế, vừa đi vừa cười ngẫm nghĩ  "Đời chẳng là gì đâu em!"

Đời chẳng là gì đâu em! Đi Sài Gòn chơi vui vui vài năm thì về, sống trong đấy sao được, không có mùa đông còn cafe thì nhạt thếch - Vân Anh số 1 nhắn nhủ trước khi đi. Vân Anh số 2 thì bảo em cứ vào trong ấy, chị sẽ đưa Bống vào cùng, người như chị em mình sống ở Hà Nội thế deck nào được. Vân Anh số 1 lại bảo Vân Anh số 2 bị điên, gần bốn mươi tuổi còn ôm con đi xa làm gì. Vân Anh số 2 lại bảo Vân Anh số 1 dở hơi, chưa già đã tính toán chu toàn mệt cái thân. 
.
Vân Anh số 1 chưa bao giờ gặp Vân Anh số 2. Cả hai chỉ toàn tranh cãi qua tôi, mặc kệ tôi cười rũ rượi, cười như điên dại. Bây giờ cả hai lấy chồng sống yên phận, mua nhà cách nhau chưa đến 1km, ngay gần cầu Thăng Long và cánh đồng loa kèn. Vân Anh số 1 vẫn chưa bao giờ gặp Vân Anh số 2. Mỗi lần xuống sân bay Nội Bài, đi ngang qua khu vực ấy tôi đều không kềm được cơn cười rũ rượi.
.
Nhớ Vân Anh quá, Vân Anh ơi
Đời có là gì đâu, mà sao trôi nhanh quá 

11/2012


2012/11/06

Đi tìm buổi tối nhiều kỳ vọng




Duras viết điều gì đó về sự cô đơn khi ở trong nhà. Tự nhiên tối nay tôi thấy điều đó sai bét. Ít ra, khi ở trong quán cafe thì thấy nhà mình là số một. Trong nhà có trà ngon, nhiều cây để ngắm, nhạc hay để nghe, và nhiều sách hay để đọc. Trong nhà chỉ không có người. 

Trong quán cafe thì có rất nhiều người. Tối nay tôi thấy Duras sai, không phải vì cảm giác cô đơn giữa chốn đông người hay đại loại thế (nếu thấy vậy tôi đã gọi ai đó ra ngồi cùng cho xong). Mà vì tôi nhớ Duras đã miêu tả thế giới bên ngoài thật đẹp để minh chứng rằng nỗi cô đơn vì thế sẽ giảm đi khi bạn ở ngoài. Không như ta ở trong nhà, chẳng có cây cối hay chim chóc chi cả. Đó đã là một lý do để tôi ra khỏi nhà tối nay, để ngồi đây, và thấy lý do đó sai bét. 
.
Bạn trông chờ gì ở một quán cafe? Một bản nhạc hay, một chỗ ngồi đẹp hay một tách cafe ngon? Tất nhiên, có thể là một buổi trò chuyện thú vị với bạn bè, với ai đó chẳng rõ. Tôi chỉ chờ một lý do để kết thúc buổi tối không nên ở nhà. Nhưng như thế cũng là quá nhiều khi ta không có đủ sức đi xa?

Mọi lẽ sẽ giản đơn hơn nếu ta đi tới một quán cafe quen thuộc, biết chắc loại nhạc sẽ được nghe, biết chắc mình sẽ gọi thức uống gì và có thể gặp/ không gặp ai ở đó. Nhưng không kỳ vọng như thế, chẳng khác nào mở nhạc và pha trà hay cafe ở nhà uống cho xong. Vì nhà tôi, đẹp không thua một quán cafe nào ở thành phố này. Điều quan trọng là buổi tối cần kỳ vọng sau giấc mơ chiều bất thường. Buổi tối nhiều kỳ vọng thường diễn ra ở ngoài đường, nơi ta có thể rơi vào cơn say nắng với một chàng trai tưng tưng cưỡi motor đỏ đi xem Skyfall một mình để sau đó khi ngồi ở vỉa hè ta tiếc nuối vì đã không rủ chàng đi chơi hoặc bịa ra lý do gì siêu đẳng để xin số điện thoại của chàng. 

Buổi tối nhiều kỳ vọng thường diễn ra ở ngoài đường, chứ không phải trong bất kỳ quán cafe nào dù quen hay lạ. Thế nên tôi đã làm tan nát kỳ vọng khi chui tọt vào đây, lắng nghe và ngắm nhìn những điều bình thường/bất thường diễn ra trong 36m2. Điều an ủi là tôi đã chứng minh được Duras sai bét. 
Nhưng hoang mang quá, lần sau tôi sẽ lấy ai làm lý do để ra đường khi tìm kiếm buổi tối nhiều kỳ vọng đây?



Một người đàn ông bình thường

Bây giờ đã là tháng Mười Một, nghĩa là dã quỳ đã vàng rực Đà Lạt và mùa đông đã chạm ngõ phương Bắc. Tôi vừa qua cơn bạo bệnh, thấy cơ thể như được thanh lọc dù yếu ớt không tưởng nổi. Đầu óc như trẻ nhỏ, muốn làm rất nhiều việc, trong đó có việc không tưởng như hiểu một người đàn ông bình thường.


.
Năm mười bảy tuổi, tôi nói với một người đàn ông bình thường: Em cảm thấy như sắp chết khi bước qua lứa tuổi này. Vài năm sau người đàn ông bình thường gặp lại tôi và cười bảo: Mừng vì em không chết. Thực ra tôi muốn nói với anh là tôi đã chết rồi. Ở lứa tuổi ấy, có quá nhiều cảm xúc đã qua đời. Tôi đã vật vã bắt đầu với từng mạch cảm xúc mới, với cảm giác xuyên suốt mình sẽ lại chết vào năm hai bảy tuổi. Tôi muốn nói với anh, người đàn ông bình thường mà tôi đã quên mặt quên cả tên, rằng mỗi cột mốc thay đổi trong đời thực ra là một lần chết đi và sống lại. Đời người bao nhiêu lần chết lâm sàng như vậy cho đến khi nắm mắt xuôi tay trong quan tài. Nhưng tôi chẳng hiểu mình nói để làm gì, giữa sân tổng hợp lộng gió như vậy, người đàn ông bình thường chẳng quan tâm.

Bây giờ, sắp hai bảy tuổi, tôi lại có khao khát nói với một người đàn ông bình thường: Em cảm thấy như sắp chết khi bước qua lứa tuổi này. Tôi không biết lần này có phải chết lâm sàng như lần đó không. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được cho đến khi mọi thứ qua đi. Tôi cũng không biết liệu có người đàn ông bình thường nào quan tâm đến những cái chết lâm sàng, sẽ không cười và không nói: Em sẽ không chết đâu. Làm sao một người biết được ai đó có chết hay không vào ngày hôm sau, và vào nhiều ngày sau nữa?




Càng sống và càng đi nhiều, tôi càng cảm thấy mình chẳng hiểu gì về thế giới lẫn những người đàn ông!
Ai đó, chỉ cho tôi cách hiểu một người đàn ông bình thường, để những ngày này qua nhanh, để khi về với tháng ngày rét mướt hay ngập trong thảm dã quỳ, tôi chẳng còn băn khoăn cớ sao mình chẳng hiểu gì?

2012/08/30

Đi nào đi với anh xuống đáy hồ xa thẳm (*)



"Mai là rằm tháng Bảy đấy, nhớ cúng nhé", H nhắc tôi lần thứ 5 về tháng cô hồn. Đều đặn, anh nhắc tôi biết bao nhiêu ngày trong tháng này đã trôi qua, vừa như hù dọa vừa như xoa dịu vì rốt cuộc những điều xui rủi nhất cũng sắp qua đi. Chiều nay tí nữa tôi bật cáu: "Em chẳng sao cả, thấy không? Rốt cuộc mọi thứ đã xảy ra từ trước đó rồi, và chỉ đang tiếp diễn thôi.", nhưng kìm lại kịp. Gần đây tôi tiết kiệm sức lực và lời nói tối đa. Vả chăng, khi ấy, dàn hi-end đặc biệt của quán đang rộn ràng thở ra tiếng Syd Barret. Sẽ chẳng bao giờ có một quán cafe thứ hai ở thành phố này, ở phố trung tâm toàn me xanh, trang bị ngập ngụa những dàn loa đắt tiền, sẵn sàng mở Pink Floyd vào lúc chiều tà. Sẽ chẳng có mấy cơ hội để tôi được nghe Syd hát với âm thanh tuyệt vời như thế ở ngoài đường (ở nhà cũng là chuyện của mười mấy năm sau khi tôi đã giàu có - cứ cho là thế đi). 
.
"Chiều nay chị bỏ anh H ở nhà cúng rằm một mình. Nhìn cảnh ông ấy đi chợ vác đồ lỉnh kỉnh về thắp hương rồi nấu nướng, vừa thấy tội vừa buồn cười. Mai mày cũng nhớ cúng nhé, tháng này toàn cô hồn sống, cứ thắp hương cho yên tâm vậy", đến M cũng nói về điều đó nghĩa là đời tôi xong rồi. Nhưng chắc vì đấy là M, nên tôi bật cười. Vì vui với hạnh phúc chị đang trải nghiệm như đứa bé lần đầu được nghịch con gấu mặc đồ cô dâu (khiêu dâm hoặc không tùy mức tiền bạn muốn bỏ ra khi lượn trong Vincom láng bóng). Bật cười xong, tôi bảo: "Người tình bỏ đi còn không tiếc, bà lo gì lắm thế", nào ngờ con mèo già đang hạnh phúc kia đã kịp học võ lúc nào không hay, xoáy lại tôi "Mày bỏ đi ngấm ngầm nên đương nhiên không tiếc, đồ bánh bèo vô dụng". Thế là cười rung cả xe, cười tưởng chết đi sống lại, cười vì những chuyện bỏ đi, cười vì những người bỏ đi - hay bị lừa bỏ đi chả rõ,... Ừ, thế cho bõ một ngày lòe loẹt của tôi và một ngày không trang điểm của chị. Sự ngược ngạo hiếm thấy khi hai đứa đi cùng nhau khiến tôi bớt buồn ngủ để trở lại với những giờ phút cuối cùng của công việc.


.
Xung quanh xôn xao quá, tôi lại chỉ thấy buồn ngủ. Thề có Chúa (chẳng hiểu sao tôi tin rằng Người đã chết từ mùa hè quái quỷ nào đó nhưng cứ có chuyện lại đem Người ra thề, Amen) mấy ngày nay tôi ngủ nhiều đến đáng sợ. Tất nhiên là tôi biết mình đang ở chu kỳ ngủ bù sau giai đoạn mơ liên tiếp. Nhưng đang là những ngày chuyển giao với rất nhiều cảm xúc mà lẽ ra tôi-phải-có-và-bộc-lộ-mãnh-liệt, tại sao tôi có thể thản nhiên buồn ngủ ở mọi lúc mọi nơi và lơ ngơ như bò đeo nơ khi xung quanh quá xôn xao. Xung quanh xôn xao vì sự bật gốc của một cái cây đã bén rễ 3 năm. Xung quanh phẫn uất vì sự trơ tráo của những dây leo mới. Xung quanh lo lắng, hỏi han, vỗ về, chửi bới những xung quanh khác. Tất cả đều hợp lý, tôi thừa nhận. Tất cả diễn biến đều đúng, tôi biết cả. Tôi chỉ không thừa nhận được chuyện bản thân buồn ngủ kinh khủng. Và không thể biết tại sao mình có thể lăn ra ngủ bất cứ lúc nào. 
.
Trong cơn buồn ngủ trầm kha vài tháng trở lại một lần này, tôi loáng thoáng nghe thấy lời rủ rê "Đi nào đi với anh xuống đáy hồ xa thẳm" của một "mùa thu (vừa) len lén ra khỏi cây". Và tôi đã đi, rất nhanh, một mình xuống đáy hồ xa thẳm, không bởi chủ thể khuất mặt trong giấc mơ. Dễ chịu biết mấy giữa làn nước không hắt màu của xung quanh. Ở phía đáy của mọi dòng sông, hồ nước,... tôi không phân biệt được màu sắc và không ngửi thấy gì nữa. Và đôi mắt tôi nhắm nghiền, một cách tự nguyện. 

(*) Thơ Nguyễn Bình Phương 

2012/08/28

Đài hoa cúc (*)

(*) Tên bài hát này hiện ra khi tôi thăm nhà một cô gái. 



Bấy giờ là mùa mưa thứ hai ở Sài Gòn, cô ấy xuất hiện với những lá thư dịu dàng xoa dịu tâm hồn đang đau đớn của tôi. Nhưng hình ảnh đáng nhớ nhất của cô ấy lưu trong ký ức tôi là dáng vẻ mảnh khảnh trong bộ váy đen như nữ tu - lúc đó tôi nghĩ ngay đến nhân vật chính khắc khổ trong "Black Swan", có lẽ vì cả hai cùng học múa. Đôi mắt buồn của đứa trẻ lạc lối níu lấy tôi. Nhìn cô như sắp bay khỏi tầng 23 lộng gió của Rooftop. Hà Nội lúc đó sắp chuyển mùa, sau lưng tôi ráng hoàng hôn đỏ thẫm. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt, nói chuyện thật lâu, và ra về gần như chẳng biết gì về nhau. 
Mùa hè thứ nhất kết thúc!
.
Bây giờ là mùa mưa thứ tư ở Sài Gòn. Tôi thích thú xem trailer của một bộ phim Nhật mới và nghe Edith Piaf hát. Giọng Piaf khàn như mèo hoang gào giữa đêm trên những mái ngói đỏ của phố cũ mùa đông Hà Nội, hình ảnh trong phim trong vắt đến hư ảo, tâm trạng tôi lơ mơ vì ly rượu uống lúc chập choạng tối. Cảm xúc của tôi không đủ mạnh để gọi tên. Cũng không có gương mặt nào hiển hiện đủ mạnh để tôi miêu tả. Tôi không nhớ lần cuối hình ảnh rõ nét về một con người hằn sâu trong ký ức mình là khi nào. Hóa ra, tôi hầu như chẳng biết gì về những người xung quanh hay người ta hầu như chẳng biết gì về tôi?
Mùa hè năm nay kết thúc bằng những buổi chiều hồng lót đường cho những giấc mơ diễm tình với trào lưu nhân vật không rõ mặt!
.
Đã lâu rồi tôi không cắm hoa, chứ đừng nói đến việc cắm hoa theo mùa. Thế nên, hoa cúc chẳng hẳn là mùa thu hay ngược lại thu về tôi cũng chẳng mảy may ý niệm gì về những tạo vật liên quan loài hoa ấy. Đài hoa cúc, đơn thuần là cụm từ rất đẹp, hiện lên trong trí óc khi tôi tình cờ lướt ngang nhà cô gái ấy. Giản đơn như Phạm Công Thiện từng viết: "Không vui không buồn, không yêu không ghét, phong vũ biểu của tâm hồn tôi xuống độ quân bình, tôi ngồi trong phòng kín, đèn mờ đỏ đủ thấy bóng mình in xuống sàn gạch xanh. Có lẽ người gác cổng của bất cứ nghĩa địa nào cũng cùng mức độ phong vũ biểu tâm hồn như tôi?" 

2012/06/07

Những giao cảm mùa hè

Buổi chiều cafe một mình, đọc và nghĩ mông lung. Đã bước sang mùa hè thứ 4 ở thành phố này, tôi đếm từng ngày, nhớ lại buổi tối đầu tháng Sáu ba năm trước khi lên máy bay với vẻn vẹn ba lô và 1 túi sách nhỏ. Không một người thân, người bạn thân thân duy nhất tôi biết khi ấy đã ra HN với chồng. Sài Gòn đêm ấy, 11h đêm tôi bước ra khỏi sân bay là một thành phố mở, và ngập tràn cảm giác lẫn mùi hương. Sài Gòn trước đó, chưa bao giờ là niềm mong mỏi nhớ nhung. 
 Không như Hà Nội... 



Bây giờ khi khoảng thời gian sống ở hai thành phố đã xấp xỉ nhau, Sài Gòn trở thành tên của một mùa trong tâm khảm. Giống như mùa đông vĩnh viễn thuộc về Hà Nội, mùa hè của tôi như sống lại cùng thành phố này. Thật lạ lẫm với chính mình khi tới một ngày tinh thần hứng khởi với khoảng thời gian tồn tại hàng năm mà ta đã từng ghét bỏ. Lòng nôn nao và phơi phới như những nhánh hoa mười giờ được cứu sống ở ban công khi tiết trời chuyển hạ. Lòng mừng rỡ khi thấy những con phố chao nghiêng theo cánh hoa dầu bay khi tháng Tư về, cùng với dự cảm sôi động của mùa hè phía trước. Đó là cảm giác tươi vui của một tuổi trẻ khác. Dẫu mùa hè ở Sài Gòn, tôi cũng chẳng có hành động gì nông nổi đặc biệt so với những mùa khác, thì cảm giác vẫn tươi mới như thế. Giống như ngày xưa, khi cơn gió lạnh đầu tiên tràn về cả thể xác và tinh thần sẽ phản ứng tức thì. Tôi thuộc nhóm người "cảm xúc biến thiên theo thời tiết", nhưng tự thấy ngộ nghĩnh khi nhận ra mùa hè nơi đây đang tác động vào cảm xúc của mình mạnh mẽ đến thế. . 

Những ngày đầu tiên của năm thứ 4, tôi thấy mình rơi vào trạng thái lơ lửng. Không còn ai đặt ra câu hỏi "Sẽ ở lại SG bao lâu" hay "Có về HN nữa không" cho tôi, vậy trạng thái bấp bênh này từ đâu mà đến nhỉ? Vì những cơn mưa mùa hạ mang giá lạnh se sắt hay vì bản năng cố hữu đang chống trả sự ổn định nhàm chán xung quanh? 

Thành phố này dạy tôi biết bao điều, nhưng mạnh mẽ nhất là cảm giác sợ hãi. 

Những ngày đầu tiên, cảm giác này đến từ những tòa nhà đang xây dở ở quận 7, những chiếc phà lớn ồn ã phô trương trên bến Cát Lái và mùi vị ngọt ngào xa lạ của những món ăn. Những tòa nhà cao chót vót đang xây dở dang, ầm ĩ tiếng máy chạy trong đêm, cùng những chiếc cần cẩu cao lớn lúc nào cũng chực đổ xuống khi đi qua. Tôi luôn có cảm giác đó, rằng chúng đang rình rập đổ xuống ngay khi tôi vừa lướt tới. Những tòa nhà ấy có thời gian khiến tôi cảm thấy bị xâm chiếm dần và xâm lược. Nhưng ngay cả điều đó cũng có sự quyến rũ mãnh liệt, khiến tôi mất nhiều buổi tối ngang qua những khu nhà đang xây, nhiều hôm ngồi cafe khóc đến khuya ở gần đó để nhìn ngắm những con quái vật đang lớn dần lên. Mãi một tháng sau, khi đi làm rồi tôi mới dần bỏ thói quen ấy. 



Trái ngược với cảm giác đến từ những tòa nhà, cảm giác sợ hãi khi ngồi ở bến phà Cát Lái đến một cách vu vơ. Chuyến đi trong đêm khiến thời gian chờ giữa những chuyến phà kéo dài. Sự chờ đợi mỏi mòn ở bến phà kích thích trí tưởng tượng của tôi, khi ở rất xa ngoài sông là những âm thanh giấu mặt. Cảm giác sợ hãi đó hẳn đến từ bên trong, khi trong tâm trí tôi dần hiện hữu câu chuyện về một cô gái khi buồn sẽ ra bến phà và đi đi đi lại trên phà qua hai bến liên tục suốt đêm. Câu chuyện trong tưởng tượng của chính mình đã khiến tôi rơi vào hố thẳm nỗi buồn. Và từ đó, bản năng phòng vệ không dẫn tôi trở lại bến phà đó nữa. Vu vơ thật! Chuyện mùi vị món ăn ở Sài Gòn thì còn vu vơ hơn nữa. Chỉ đơn giản là khác biệt vùng miền và tôi lại chẳng hảo ngọt. Những tháng ngày đầu tiên ăn uống ở đây thật cực hình. Và tôi sợ ăn, bắt đầu cho thời kỳ gầy gò nhất trong lịch sử hai mấy năm tròn trịa (tất nhiên là gầy so với tôi trước đó thôi :">). 

Khoảng 1 năm sau, khi những cảm giác kể trên đã mờ dần đi, tôi rơi vào nỗi sợ hãi mới. Lần này có vẻ nghiêm trọng hơn, chúng đến từ những người xung quanh. Ban đầu tôi nghĩ đó là sự khác biệt về cách cư xử giữa Nam và Bắc trong mối quan hệ bạn bè, mãi sau này tôi mới hiểu đó đơn thuần thuộc về bản tính mỗi con người mà thôi. Một dải câu chuyện buồn, những vấp váp tổn thương, và lần đầu tiên trong đời tôi chạm tới cảm giác đối diện với sự phản trắc,... Sự thật là, những điều đó khiến tôi thay đổi đáng kể. Đã có thời gian tôi giận dữ với chính mình vì sự nhạy cảm, thói suy nghĩ quá nhiều, dễ mủi lòng,... và vô vàn những thứ thuộc về bản năng khác. Chẳng hiểu sao nghĩ lại vẫn thấy buồn. 


Hiện tại, trường ổn định đang tạo ra nỗi sợ hãi mới. Nhưng lần này, tôi biết, rất nhanh thôi, sẽ kết thúc. Đừng hỏi vì sao, bởi luôn là rất khó để nói về hiện tại, nó luôn là lạ lẫm mới mẻ, và chỉ có cảm giác dẫn đường...

2012/03/23

Lou Doillon - Another Heroine



Miracle:


Day for night:



When day breaks, I found her - my heroine in this month.
I love her eyes, her style and her talent
Her face was so warm and so dark,
Amazing freedom










Lou Doillon - Angel of suicide








khi không thể nói về nỗi đau


vết xước,
2,5cm đầu ngón cái, bên phải
mảnh như giọng hát GT giữa đêm thanh vắng,
không chảy máu,
nhưng đau
.
tim yếu mềm, không dễ vỡ
khi cứng lạnh, đụng sẽ tan

2012/02/18

hạ hồng

Buổi sáng đi làm, gặp hai cô gái Nhật trẻ trung trong playsuit kéo vali đi bộ qua thềm nhà hát với nụ cười hớn hở, tôi thấy mùa hè tươi mới và rạng rỡ đã tới, trong khi mùa xuân vẫn mỏi mệt qua đi chậm rãi. Ở khúc xuân - hè gặp nhau, là lúc cơ thể con người rạc đi vì những cơn quặn thắt.
Bình thường sẽ qua nhanh, nhưng năm nay hai mùa này lưu luyến nhau quá, nên cơn ho kéo dài, thật dài
.
hạ hồng, hãy đến nhanh, bởi ở xứ này, nắng rực vàng luôn khiến người ta cảm thấy mình đang sống hay ít nhất cũng làm mềm những điệu ru đơn
hạ hồng, hãy đến nhanh, để ra biển, uống bia và trôi bồng bềnh trên những con sóng, mặc kệ mặt trời, mặc kệ núi non...


2012/02/17

đồng hành


những đứa trẻ, lớn lên, và bay qua bầu trời
tôi ở lại, trẻ dần, hàng ngày nhìn lên bầu trời
chưa bao giờ muốn rời Việt Nam
chưa bao giờ nghĩ về nước Mỹ
chưa bao giờ quên lời chị
"đừng đến châu Âu"
nhưng,
cảm thức đứng yên và từ biệt,
nao lòng chậm rãi
tôi thấy mình như mùa đông xứ Bắc
già nua,
.
tôi nên chọn lớp người đồng hành mới,
để không cần tiễn biệt nữa
hay nên là người ra đi?

2012/02/05

franz josef

tôi bắt đầu nghĩ về chuyến đi tháng Tư tới như 1 định mệnh,
định mệnh!
phủ lấp những tính toán sắp đặt 1 chuyến đi trước đó 6 tháng,
và hủy đường bay
và 1 vùng đất xa lạ,
có sông băng, đồng cỏ rộng, và những cánh đồng
tôi bắt đầu nghĩ về nó,
về những dòng sông hạn hẹp trong mỗi giấc mơ
về những lần bị đuổi bắt liên tiếp
về cát lún
về bội phản
và những lần đuổi bắt tiếp theo

tiếp tục nghĩ về franz josef vĩnh cửu
nơi nữ thần Maori đóng băng nước mắt
tiếc thương gì chẳng biết,

tiếp tục nghĩ,
như nhớ về những con sóng đơn âm,
đã theo tôi,
mãi,



2012/02/02

think different




phía xung quanh quá nhiều sự ồn ào, đến cảm xúc cũng ồn ào, và lãng mạn ồn ào,
sợ quá những tần số cảm xúc được khuếch đại theo sóng âm thanh,
đến mức người ta quên cả mặt trái của nó mà chính họ đã phô bày,
hay xui rủi cho mình, khi chạm vào tờ giấy quá nhiều màu?
.
vẫn chưa quen với nắng ấm của phương Nam,
thật may vẫn còn Tết Bắc để chìm trong rét mướt, và cảm xúc hoan ca của mùa đông giá,
dẫu năm nay thật yên ả và vắng lặng,
thấy mình như cô bé Ginia đang yêu thích những buổi chiều lẳng lặng làm việc và trở về một mình, hay như nữ hoàng thinh lặng ngày nào
mỗi ngày đọc hết một cuốn sách mỏng, mở đầu vào buổi sáng và kết thúc vào đêm khuya thanh vắng,
dễ chịu,
viết lại những vô vi, để chắp vá cho nhớ thương và tạm biệt con người

2012/01/29

triệt tiêu



đã mơ đến đoạn sáng tác từ ngữ,
lạnh quá, mắt nhắm mắt mở sạc điện cho gối sưởi
và nghĩ và cụm từ vừa lóe lên trong mơ
trở lại giấc ngủ, sa tiếp vào giấc mơ khác
.
tỉnh dậy
những chuyện đau lòng vẫn tiếp tục,
sao không triệt tiêu xúc cảm
ngay cả trong mơ


2012/01/14

Thủy triều




Ở Mũi hoang vắng, đêm trăng sáng, thủy triều lên.
Sóng vỗ suốt đêm, ban công nhức nhối