2009/09/29

Ngày tàn phai


Upload Free pictures

Upload Free pictures

Upload Free pictures
Ngày tàn phai theo tiếng hát của K

I/
Những vần thơ bỏ lại của một mùa hoa cũ
cứ ngan ngát một màu xanh giả dối
của sắc loa kèn chưa một lần thực chết
day dứt niềm đau về một hồi ức lạ
như - là - chiêm- bao

Những buổi tối nằm nghe,
còi xe cấp cứu xé toạc không gian.
Thoảng thốt.
Màn đêm màu xanh lá
bầu trời nở hoa từ phía Tây,
có gì lạ?

Những buổi sáng nằm nghe,
tiếng mưa hốt hoảng đuổi mặt trời
Ướt át.
"I'm a fool to want you"
Billie thở xám không gian
bình minh nở muộn,
buồn bã chẳng cựa mình
thức giấc nghe hạt mưa đuổi mặt trời
xám trắng
âm âm
u u

II/
Những ô cửa sổ bay nghiêng theo chiều xoay của cánh hoa dầu vàng vọt như mùa thu vừa kịp chết
Era! Era! Ô cửa sổ như khu vườn bí mật, vòng bán nguyệt chấp chới trong ánh nến ban ngày
Thứ ánh sáng giả tạo nhảy nhót theo chiều cánh hoa
Hai mươi ba độ năm?

Không còn ai,
hoa trắng thôi khoe sắc hàm tiếu
chợt nhe năng trắng ởn mỗi sớm mai
nhai rau ráu những câu hỏi vì sao
"con ở đâu", " em ở đâu", nào ai biết?
vì sao, vì sao và vì sao?

bay đi! bay đi!
những đóa hoa đừng bao giờ chạm đất
đừng bao giờ chạm đất!

Nỗi đau không định hình,
như vệt khói ám thái dương
bỗng hóa lỏng thành ete bệnh viện
chảy tan,
òa khóc.

Lâm An

2009/09/15

Vu khống - Linda Lê

http://islakokotero.blogsome.com/images/le.jpg

http://terresdefemmes.blogs.com/photos/portraits_dauteures/linda_l.jpg

"Viết, là tự lưu đày bản thân" - câu đề tựa gây tò mò này nằm cạnh chân dung nữ tác giả có gương mặt góc cạnh và đôi mắt thuần Việt biết nói đến hút hồn, có thể nói "Vu khống" đã cuốn hút người đọc ngay từ trang bìa.

Cuốn sách này gợi nhớ sâu sắc tới truyện ngắn "Phòng số 6" của Tsekhov. Những căn phòng - chiều không gian khác, chứa đựng những suy nghĩ lạ lẫm đối với phần đông sinh linh tồn tại xung quanh. Suy nghĩ của những kẻ điên. Những căn phòng chỉ có hai màu trắng và xám - màu của đời tàn. Người điên có ưu điểm là cô độc, vô gia đình, không có ký ức và không có cả tương lai. Khi cộng đồng xung quanh hèn nhát, người ta từ bỏ tất cả mọi thứ, chấp nhận một xã hội đồng nhất, bằng phẳng, không màu sắc, chỉ vì người ta sợ bị đau...thì một kẻ sống bằng tất cả tế bào cảm xúc trong cơ thể sẽ hóa điên?

"Tôi đã bỏ mười năm để điên, nó đã bỏ mười năm để viết."

Có sự liên hệ nào giữ những người điên và những kẻ oằn mình với ngôn từ mỗi ngày, dằn vặt bởi câu chữ mỗi đêm? Viết - là tự lưu đày bản thân? Thế nhưng không viết cô sẽ làm gì? Làm gì?

Viết đối với Linda Lê có phải là sự lưu đày bản thân không thì chỉ mình cô biết. Song chắc chắn với cô, viết là một sự sẻ chia những suy nghĩ bí mật nhất - "Cho bí mật phòng 406". Bí mật luôn là liều thuốc kích thích ham muốn của độc giả. Với ngôn từ sắc như một mũi khoan sâu, Linda Lê đưa người đọc từng bước chạm chân vào thế giới của những người điên. Nhân vật chính - một gã da vàng có biệt danh "Chà Chệt" luôn cố thủ trong căn phòng bí mật của mình cho đến một ngày gã nhận được một bức thư đóng dấu quá khứ của cô cháu gái nhà văn - mà gã quả quyết rằng đấy mới là một kẻ điên. Từ đây bắt đầu những cơn mộng mị trắng xoá, chuỗi huyễn tưởng day dứt về quá khứ mặc cảm, và không ngừng tranh đấu quyết liệt để tìm ý nghĩ giá trị tồn tại của riêng mình, tìm cách diễn giải quá khứ theo cách của chính mình.

http://srv0110-06.oak1.imeem.com/g/p/0bc47d7af156943bc31523c8a3ad76b3_web.jpg



Đây là cuốn tiểu thuyết không dễ đọc, bởi ngôn từ có khi trống rỗng có những nhảy múa hỗn loạn, và không ngừng thách thức khả năng tự biện của người đọc. Song không phải vô lý mà Linda Lê trở thành một trong những nhà văn xuất sắc nhất trên văn đàn Pháp đương đại, tác phẩm này là một minh chứng cho điều đó. "Vu khống" không đơn thuần là câu chuyện về những người điên, bởi ai điên ai tỉnh nào ai biết? Có bao nhiêu phòng 406 ở giữa những con đường khát cháy, những ban công xám ngắt ngoài kia?

Tôi đặc biệt thích cách đối thoại trong suy nghĩ của nhân vật trong cuốn sách này. Đầy thách thức và không kém phần ám ảnh. Những mẩu chuyện kể, những mảng ký ức chạy rần rật, và cả những màn tự thoại đóng mở...tất cả gợi lên một điều gì đó rất bức bách, cảm giác muốn đốt cháy lên, cháy lên...nhưng rồi lại không làm gì cả. Không có ngọn lửa nào! Because I'm stranger here myself?

I'm stranger here myself!
I'm stranger here myself!
I'm stranger here myself!

"Tôi không hiểu nổi con bé có mục đích gì. Điều gì thúc đẩy nó cứ tích lũy những hành động lập dị, bẻ cong số mạng, chỉ ham các tì tật? Nó sống bằng những chối bỏ, nuôi mình bằng những phản bội. Đã kiêu hãnh là dân Chà Chệt viết văn bằng một ngôn ngữ không phải của mình, nó lại muốn thêm được hồ nghi con hoang, được bán tín bán nghi con lai. Nó muốn được thử thách thần kinh nó. Chính tấm gương tôi thất bại cho nó đủ can đảm đi thám hiểm biên giới của sự lành mạnh tâm thần. Chính hồi ức tôi sụp đổ mười lăm năm trước khiến nó thả mình đắm chìm để dễ vọt lên trở lại. Tôi đã chuẩn bị con đường. Tôi là dược thảo trị độc của nó. Phương thuốc nhiệm màu ngừa điên dại của nó.

Con bé tự thuở nào vẫn chơi cái trò chỉ nhìn hình bóng chứ không bao giờ nhìn chính sự vật. Nếu cứ tiếp tục cái trò ấy quá lâu, thần kinh nó sẽ lâm nguy, và buổi tối lên giường nó sẽ xoa nắn thái dương, tưởng như đầu mình chỉ còn là một cục thịt lởm chởm những đinh.

Họ đã thắng được tôi, có lẽ họ sẽ không thắng được nó. Nó lý luận y hệt tôi: nếu đó là kiếp con hoang, thì sẽ không phải là điên; có tôi giúp, nó sẽ thoát khỏi phải điên. Nó đã tự vệ trước nguy cơ điên bằng cách phân thân. Nó đã muốn thành xa lạ với gia đình, rồi với đất nước với tiếng mẹ đẻ, và sau cùng với chình mình.

Nó nới với tôi nó mất lòng tin từ rất sớm, bản năng nó ngờ vực cuộcđời, một thời gian dài những tiếp xúc với thế giới bên ngoài khiến nó ngột ngạt tê liệt, trong nhiều năm nó đã sống như cụ tổ, xích chân trong chuồng. Đương nhiên nó phải tự xiềng xích mới mong giữ mình vẹn toàn. Nó sợ cuộc đời, bởi mẹ nó là hiện thân của cuộc đời, cuộc đời dưới dạng ghê tởm nhất. Cuộc đời ích kỷ, cay độc, cuộc đời với hết mọi thô bỉ, cuộc đời tà dâm, cuộc đời chỉ vị đồng tiền, cuộc đời thú vật, cuộc đời tùng phục trước kẻ mạnh, cuộc đời bạo tàn với kẻ yếu. Con bé tự bao giờ vẫn ghê tởm cuộc đời - nó tưởng tượng hễ sống là sống như mẹ nó. Nó đã tự xiềng xích mình, tự quản thúc mình. Nó tin nó lâm nguy. Một bên là cuộc đời, cuộc đời nó chỉ hình dung được như hai hàm thép, như cặp đùi mở rộng ham hố thịt da rắn cứng. Bên kia là điên dại. Hoặc là cuộc đời ghê tởm nhớp nháp, hoặc là một cuộc đời khác, một cuộc đời tự do, một cuộc đời như nó khát khao chứ không phải như thói thường - và như thế, đến điên dại chỉ còn một bước.

Nó có thể lựa chọn theo gương mẹ nó hoặc theo gương tôi. Hoặc sống như loài vật, như con bọ chúa tiến bước, giương cặp râu độc ra trước, hủy diệt muôn loài vì sự sống còn của mình. Hoặc vượt lên, và chìm vào điên dại..."

(Trích chương XXIII "Vu khống" )

Lâm An

A Confession - Lev Tolstoy


http://rgr-static1.tangentlabs.co.uk/media/9780486438511/confession.jpg

"Cái tin T mất tích chưa bao giờ khiến tôi phát điên phát cuồng như bất kỳ ông chồng nào trong hoàn cảnh ấy. Lý do đơn giản là tôi không ngạc nhiên về chuyện cô ấy bỏ đi. Tôi có cảm giác ngay từ khi nghe tiếng cảnh sát ở điện thoại, tôi đã hiểu người ta gọi đến chỉ để thông báo chuyện đó. Tự thâm tâm tôi chấp nhận và có phần ghen tỵ với hành động ấy của T. Đó dường như là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc sống nhàm chán. Và chỉ người còn đôi chút dũng cảm mới hành động như thế. ...

T không quay về Sài Gòn, và cũng như bà cụ mười năm trước đó, cô ấy chọn một nơi rất xa, thuê một căn phòng nhỏ, điện thoại không lắp, tài khoản không mở, bạn bè không kết. Mai danh ẩn tích để được mãi mãi nằm trong danh sách mất tích của sở Nội vụ thành phố."

(Trích T mất tích - Thuận)

Xin mượn một đoạn trích nhỏ của Thuận để nói đôi chút về Lev Tolstoy - nhà đại văn hào đã quá nổi tiếng, tôi chỉ muốn nói tới một điểm chung của Lev và nhân vật T kia, đó là cả hai đều quyết định bỏ lại tất cả và mất tích. Những năm cuối đời, Lev Tolstoy đã rời bỏ cuộc sống của một đại Bá Tước giàu có đầy danh vọng, để chuyển ra ở một mình trong một thái ấp nhỏ ở nông thôn và sống như một người hành hương nghèo khổ nhất. Trong bức thư dài viết cho vợ khước từ sự trở về, ông nói "...sự trở về của tôi bây giờ hoàn toàn không thể được nữa...Cuộc sống không phải là trò đùa, chúng ta không có quyền tự ý vứt bỏ nó đi và đo nó theo chiều dài thời gian cũng không hợp lý. Có thể là những tháng cuối cùng trong đời chúng ta lại quan trọng hơn tất cả những năm đã qua và phải sống những tháng cuối cùng đó cho tốt đẹp...". Ở một nhà ga xép miền Trung Nga, vào một đêm lạnh giá tháng 11 ông đã thực hiện cuộc đào thoát cuối cùng trong công cuộc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi dằn vặt giày vò ông suốt những năm cuối của cuộc đời.

Chắc gì những câu trả lời đã dễ chịu hơn những câu hỏi? Điều này chỉ mình Lev Tolstoy biết. Sự dằn vặt trong quá trình đi tìm chuỗi những câu trả lời cho cuộc đời của mình được ông biểu đạt đầy cay đắng và chân thực trong "Tự thú". Tấn bi kịch của một tâm hồn mạnh mẽ và thâm thúy, đầy sáng tạo và chán chường, vừa phấn đấu tiến tới sự tự hoàn thiện (self - perfection) vừa ngập tràn sự nghi ngại hoang mang...

Ngay phần mở đầu, ta có thể được sự xung đột mạnh mẽ giữa Đức tin và Lý trí trong con người ông. Tiếp sau "Một tranh luận về đức tin tại Kremli" và "Những người đàm thoại" (The Interculor) - mà ông đưa ra những thảo luận về đức tin giữa những kẻ có đức tin và những kẻ vô thần, tới "Tự thú" ông đã tiến một bước dài hơn hẳn. Ấy là phủ định hoàn toàn Đức Tin, bằng những từ ngữ đanh thép, những mẩu chuyện giản dị nhưng chắc nịch đã gạt bỏ hoàn toàn những giáo lý Chính thống được truyền dạy từ thời ấu thơ và khẳng định cái nơi chốn mà ông vốn nghĩ là chứa đựng Đức tin ấy thực ra đã trống rống từ lâu và những cử chỉ hành lễ hoàn toàn là vô nghĩa. Chính sự xung đột mạnh mẽ giữa Đức tin và Lý trí trong con sư tử của văn học Nga đã khiến ông bị giáo hội Nga khai trừ và coi như "một kẻ tà đạo, xấc xược và nổi loạn chống lại Đức chúa trời" (ngày 22 tháng 2 năm 1901). Và cho đến cuối đời hành động rời bỏ tổ ấm quý tộc của ông cũng được coi như một hành vi nổi loạn, cảnh sát đã bám sát ông, báo chí xôn xao, chính quyền luôn sẵn sàng đối phó và Nga hoàng đã cử Tòa thánh giáo chủ Parpheni tới gặp ông yêu cầu ông hòa giải với Chính giáo nhưng thất bại. Câu hỏi về Đức Tin, về mối quan hệ giữa con người với đấng vô hạn, ý nghĩa cuộc sống của chính mình không ngừng ám ảnh Lev Tolstoy và tiếp tục thể hiện sự giằng co ở đoạn cuối tác phẩm. Rốt cuộc, ngọn lửa thực sự của Đức Tin nằm ở đâu? Ở Thượng Đế vô hạn hay ở trong chính mỗi con người? Lev Tolstoy khao khát đi tìm một cuộc sống có Đức Tin, một Đức Tin thuần khiết, vô vị lợi, một Đức Tin tự mình tìm thấy cho mình, để mình có thể tự trả lời phần nào những câu hỏi mà mình cần thiết phải đặt ra cho chính mình. Và ông đã tìm cho tới tận giây phút cuối cùng của cuộc đời...


Lời thú tội thứ nhất: tôi chưa bao giờ có niềm tin vào tôn giáo một cách nghiêm túc
Lời thú tội thứ hai: tôi đã sống như một người điên suốt những năm tháng tuổi trẻ.

"Bây giờ thì tôi thấy rõ rằng không có sự khác biệt nào giữa chúng tôi và những người (điên) đang sống trong một nhà thương điên; vào thời ấy, tôi chỉ mơ hồ thoáng thấy điều này, và, giống như tất cả mọi người điên, tôi nghĩ rằng trừ tôi ra, tất cả những người khác đều điên cả."


Lev Tolstoy gọi những năm tháng sống khát khao cống hiến cho đam mê quyền lực, danh vọng, sự giàu có, tính kiêu ngạo, sự dâm đãng và thậm chí là cả khoảng thời gian bên gia đình...,là những năm tháng điên rồ và dối trá. (Dù trong những năm này ông đã cho ra đời những tác phẩm được coi là kiệt tác như Chiến tranh & hòa bình, Anna Karenina...).

Cho đến khi ông phát hiện ra ông bị "bệnh", và những câu hỏi quay về giằng xé đầu óc ông. Phải chăng tất cả sự giàu sang và danh vọng kia chỉ là những ảo ảnh lừa dối của cuộc đời, và rằng suốt những năm qua ông không thực sự có ước vọng gì?

Lời thú tội thứ ba...
Lời thú tội thứ tư...
Lời thú tội thứ năm...

Xung đột diễn ra liên tiếp, những câu hỏi nhảy múa, những giả định khấp khởi cười nói, các bậc hiền nhân như Socrates, Solomon, Schopenhauer cũng tham chiến. Và kết quả là "thay vì một câu trả lời, tất cả những gì mà người ta có thể đạt tới, là chính các câu hỏi tương tự, được đặt ra trong một hình thức rối rắm phức tạp." Giống như một kẻ bị lạc trong rừng, một lần nữa, Lev Tolstoy cay đằng nhận ra "Tôi đã không thể bị đánh lừa. Mọi sự đều là hư vô, Hạnh phúc thay cho kẻ nào chưa từng được sinh ra; cái chết thì tốt hơn cuộc sống; chúng ta phải loại bỏ sự sống ra khỏi chính mình."

http://d.violet.vn/uploads/resources/267/thumbnails2/tolstoi.jpg.jpg


Bác tước Lev Nikolayevich Tolstoy khi còn trẻ

Bế tắc, mâu thuẫn, hoảng loạn, và rồi đến cuộc truy tầm về cái chết. Tiến tới cận kề cái chết là để hiểu thấu hơn cuộc sống? Bằng những ngôn từ ít cầu kỳ nhất, Lev Tolstoy đẩy suy nghĩ vươn dài và tranh đấu mãnh liệt. Có hoặc không, không bao giờ là thứ màu nhờ nhờ không rõ đục trong. Đầy mâu thuẫn và dữ dội, ấy là Tự thú.

“Bỗng nhiên tôi thấy rằng, có lẽ vẫn còn một cái gì đó mà tôi không biết. Dù nói gì đi nữa, thì sự ngu dốt hành động trong thể cách này – đúng trong thể cách này. Sự ngu dốt luôn nói y hệt những cái mà tôi đang nói. Bất cứ khi nào nó không biết một cái gì đó, thì nó nói rằng bất cứ cái gì nó không biết, cái đó là ngu xuẩn. Thật sự, tựu trung là như vầy: tất cả nhân loại đã sống và tiếp tục sống như thể họ biết cái ý nghĩa của cuộc sống. Bởi vì nếu không biết ý nghĩa của cuộc sống, thì họ đã không thể sống; nhưng tôi đang nói rằng toàn bộ cuộc sống này là vô nghĩa và rằng tôi không thể sống.

Không ai ngăn cản chúng ta phủ nhận cuộc sống, như Schopenhauer đã làm. Vậy thì hãy tự vẫn, và bạn sẽ không phải băn khoăn lo lắng về điều đó. Nếu bạn không thích cuộc sống, hãy tự vẫn, Nếu bạn sống mà không thể hiểu ý nghĩa của cuộc sống, hãy chấm dứt nó; nhưng đừng quay mặt và khởi sự nói và viết về việc như thế nào mà bạn không hiểu cuộc sống. Các bạn có mặt trong một đám người vui vẻ, mà đối với họ, mọi sự đang tiến hành tốt, và tất cả họ biết họ đang làm gì; nếu bạn thấy chán và khó chịu, thì hãy cứ bỏ đi.”

Với Tự thú, Lev Tolstoy đã đưa người đọc vào một thế giới nội tâm đầy giằng xé và đơn côi. Giằng xé để không sa vào chán chường ủy mị khi suy tưởng, để được cứu thoát khỏi việc tự vẫn. Đơn côi đấu tranh với sự hoang mang nghi ngại lớn dần lên mỗi ngày trong chính bản thân mình. Rất chân thành nhưng cũng không kém phần buồn bã đau đớn, Lev Tolstoy một lần nữa khiến độc giả ám ảnh bởi những câu hỏi rất quen thuộc với mỗi con người "Ý nghĩa của đời tôi là gì?"

Lâm An.

On the road - Jack Kerouac


http://sasidhar.org/blog/wp-content/uploads/2009/07/on-the-road.jpg

"Giấc mơ Mỹ" - lần đầu tiên tôi nghe cụm từ này là khi đọc "Gatsby vĩ đại", khi đó cụm từ ấy gợi một ý nghĩa tươi sáng dù đã nhuốm vẻ buồn bã. Còn khi đọc cuốn "Trên đường" của Jack Kerouac, cụm từ này hoàn toàn tan vỡ. Hiển nhiên, bởi cuốn sách ra đời khi giấc mơ Mỹ đã tan vỡ. Tiếp nối "thế hệ bỏ đi" (The Lost Generation) của Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald là "thế hệ Beat" (The Beat Generation) của Jack Kerouac với những nhịp đập ngầm trong lòng nước Mỹ với jazz, sex, ma túy, sự bí ẩn, những con đường rộng mở đầy khát khao tự do, những con người sinh ra đã vỡ mộng - sự giàu có không làm họ ấn tượng, họ không biết mình đang tìm kiếm nơi nào để nương tựa, nhưng họ vẫn không ngừng tìm kiếm.

"Trên đường" - là một cuốn sách tràn đầy cảm hứng cho những tâm hồn khát cháy tự do, say mê những chuyến đi dài, ham muốn trải mình rộng khắp mọi miền. Nó khiến bạn sẵn sàng bỏ lại tất cả lại và lên đường. Cuộc phiêu lưu xuyên nước Mỹ của đôi bạn thân trong truyện được coi là lấy nguyên mẫu từ chính tác giả Jack Kerouac và người bạn thân của ông là nhà thơ Neal Cassady - mà về thực chất chuyến đi ấy là để tìm kiếm ý nghĩa và sự trải nghiệm đích thực trong mỗi cuộc sống. Đôi bạn thân này (cả trong sách lẫn ngoài đời) đều khiến không ít người vừa yêu vừa ghét, vừa ganh tỵ lẫn thán phục bởi tư tưởng tự do và lạ lùng, chính họ và tác phẩm của họ đã tạo cảm hứng cho rất nhiều thế hệ nhà văn, nhạc sĩ, nhà thơ sáng tác.

Mạn phép bỏ qua những lĩnh vực khác, chỉ xin nhắc tới Rock thì Jack Kerouac và Neal Cassady cũng là khởi nguồn cho rất nhiều sáng tác của những nhạc gạo cội như King Crimson hay Grateful Dead. Ở Album Beat (King Crimson), điểm nhấn của album là ca khúc Neal and Jack and me với nhiều tiết tấu lạ đầy cảm hứng pha trộn jazz vào Prog rock và sử dụng nhiều nhạc cụ mới khiến người nghe vô cùng thích thú. Hay trong bài The Other One của Grateful Dead đã từng nhắc tới Neal với hình ảnh Cowboy Neal :

"The bus came by and I got on, that's when it all began
There was Cowboy Neal at the wheel of the bus to Nevereverland".

http://shelflove.files.wordpress.com/2008/08/ontheroad.jpg

Thực sự, đối với những người thích những chuyến đi, thì cảm giác khi đang "trên đường" là thích thú hơn rất nhiều đối với "đích đến". Thậm chí, có đôi khi chạm chân vào "điểm đến" rồi lại thấy như mình đã mất mát đi một thứ gì đó rất lớn lao. Ấy là một đoạn kết buồn. Có lẽ bởi vậy mà những cuộc hành trình cứ thế tiếp diễn, không thể ngừng lại được, cả trong cuốn sách này lẫn ở ngoài đời thực. Tôi biết chứ, cái cảm quan buồn bã khi ngày một tiến gần hơn tới điểm đến mà mình định trước, cái khoảnh khắc mà những con đường mình đi qua mờ dần đi, rồi cuộc hành trình dừng lại. Rồi, nó giống như là mình đang đi lạc trong sương mù. Có đôi lần khi những chuyến đi dài sắp kết thúc, tôi cảm nhận sâu sắc rằng mình đã đánh mất một điều gì đó rất quan trọng.Thi thoảng tôi không xác định nổi mình đang đi tìm điều gì qua những chuyến đi khi mà trở về cứ không nguôi buồn bã. Ừ, một đoạn ngắt lưng lửng u buồn, chỉ là những quãng nghỉ giữa những chuyến đi thôi mà! Tôi không biết có lúc nào dừng lại được không, những kế hoạch và chuyến đi ấy - nó cứ dài dần ra nhanh hơn là tóc mọc. Mỗi lần như thế, tôi đều nhớ tới cuốn sách này cùng cái kết cũng buồn bã không kém ấy. Thực ra, chỉ là một hình ảnh người ở lại, và một người khác tiếp tục cuộc hành trình thôi, vậy mà sao buồn đến thế?

Trích đoạn:

"Đúng vào giây phút đó một cảm giác kì lạ bắt đầu ám ảnh tôi. Nó là thế này : tôi đã quên béng một việc gì đó. Tôi chuẩn bị đưa ra quyết định trước khi Dean xuất hiện và giờ thì tôi đã hoàn toàn quên mất, nhưng nó vẫn như còn thấp thoáng đâu đó trong đầu tôi. Tôi cứ gặm ngón tay mình trong lúc cố nhớ lại. Tôi thậm chí còn nhắc từng nhắc đến nó rồi. Nhưng giờ thì tôi không còn nhớ nổi đó là một quyết định thực sự hay chỉ là một ý nghĩ bị lãng quên thôi. Nó cứ ám ảnh mãi và khiến tôi buồn.

Carlo Marx và tôi từng có lần ngồi đối mặt với nhau, gần đến mức đầu gối chạm nhau, và tôi kể cho hắn nghe về giấc mơ của tôi, về một tay trông như người Arap kỳ lạ cứ bám theo tôi qua sa mạc, tôi cố sức lủi đi nhưng cuối cùng lão này đã đuổi kịp tôi, vừa lúc tôi sắp sửa bước vào thành phố Che Chở. “Ai vậy”, Carlo hỏi. Hai thằng cùng nghiên cứu vấn đề. Tôi gợi ý : nhân vật này không phải ai khác mà là chính tôi, trùm trên đầu một cái khăn liệm. Không phải như vậy. Đó là một cái gì đó, một ai đó, một linh hồn nào đó cứ đuổi theo ta trên sa mạc cuộc đời và nhất định tóm được ta trước khi ta kịp bước vào thiên đường. Tất nhiên, giờ đây khi trở lại điều bí ẩn này thì đơn giản đó chỉ là cái chết : cái chết sẽ tóm được ta trước khi ta kịp bước lên thiên đường.

Điều duy nhất ta hướng đến suốt cuộc đời mình, khiến ta phải thở dài, thở than và đau khổ một cách thuần khiết nhất, là kỷ niệm về một niềm hạnh phúc đã mất đi mà ta từng cảm nhận trong bụng mẹ, và điều đó chỉ có thể tái sinh trong cái chết, dù ta chẳng hề muốn thừa nhận điều này. Có ai từng ao ước mình sẽ chết? Qua bao thăng trầm, tôi luôn nghĩ đến những điều này tự đáy lòng mình. Tôi kể lại cho Dean hay và hắn nhận ra ngay ở đó nỗi mong mỏi giản đơn là được chết; nhưng vì lẽ không ai trong chúng ta có thể sống lại sau cái chết, nên hắn sẽ chẳng làm gì hết. Tôi đồng ý với hắn.

Và như thế, tôi sống trong bóng đêm. Tôi chẳng có gì để trao cho người khác ngoài sự rối rắm của chính mình."

(On the road - Jack Kerouac)

Lâm An.

2009/09/03

Mảnh ký ức mùa thu



Upload Free pictures


Upload Free pictures

Mảnh kí ức mùa thu

Hà Nội ngày có bão, nỗi buồn dâng nhiều như gió lạnh.

Chiều tất bật trong nắng thu hối hả, Nhi thủng thẳng bước vào quán quen. Tự thưởng cho mình buổi chiều nghỉ ngơi sau khi báo cáo xong project với vị CEO khả kính, cô lang thang trên cung đường quen thuộc mà điểm đến bao giờ cũng là cái quán cũ kĩ này. Quán bé xíu xiu, chén hạt mít bé xíu xiu, nậm cũng bé, góc cửa bé, những lẵng hoa cũng bé xíu xiu ... mà sao gợi cảm giác chông chênh kì lạ. Cung đường quen thuộc bao giờ cũng nhét vào túi cô một vài cuốn sách, một bó hoa tùy mùa cho góc nhỏ bên cửa sổ. Như thường lệ, ô cửa sổ vắng người, bình hoa vẫn trống không, Nhi thở dài “từ khi An không ở đây, các bình hoa ít được chăm chút hơn thì phải”. Cô bé nhân viên mới xinh như mộng mỉm cười chào cô, chẳng cần hỏi tự mang ra một ly trà cúc núi thơm phức. Hương cúc núi ngào ngạt vừa làm nồng thêm mùa thu, vừa làm Nhi nhớ mùa thu năm ấy đến nao lòng. Một mùa thu mênh mang hương cúc núi và những bài ca không tên da diết. Thoảng trong kí ức mùa thu, cảm giác về An như sợi chỉ đỏ mỏng manh lấp lóa lúc ẩn lúc hiện.

Cô nhân viên mới giống như bông hồng đỏ rực trong quán của bạn cũ, vừa nhí nhảnh đáng yêu vừa có nét gì đấy mặn mà già trước tuổi. Xem cách cô bé bật lại khách tanh tách vừa ngúng nguẩy hai đuôi tóc mà Nhi bật cười. Nhớ lại tuần trước khi thấy Nhi ngồi uống rượu một mình, cô bé ra đòi uống cùng. Chưa được hai chén hạt mít đã đỏ mặt, rồi ngồi khóc kể chuyện gia đình. Mẹ ba đời chồng với hai đứa con, bố hai đời vợ với ba đứa con; hai người đều đã có gia đình như vẫn cứ già nhân ngãi với nhau. Hàng loạt câu hỏi vì sao bật ra trong đôi mắt tròn. Mười tám tuổi, còn cả một tuổi trẻ ngốc nghếch bồng bột và đầy mơ mộng phía trước bé ơi. Và cũng chỉ khi người ta trẻ , mới có cảm nhận về nỗi cô đơn mới vừa được bắt đầu sau một cuộc nói chuyện ngắn ngủi với người mình yêu thương. Ko có ai bên cạnh để hiểu ta đang nghĩ gì , đang làm gì, đang mơ ước gì...Nỗi cô đơn chỉ là sự đơn giản đến thế!

Khẽ thở dài, Nhi đứng dậy cắm bó cúc tím mới mua vào bình trắng trước mặt, thừa ra ba cành chưa biết làm gì thì nhân viên mới nhanh miệng “chị để em”, rồi như con sẻ nhỏ líu lo giăng những bông hoa nhỏ lên cửa sổ. Ô cửa sổ vắng người hắt vàng lên màu tim tím của hoa khiến khung cảnh trở nên mơ màng kì lạ. Thơm thật, chẳng rõ là mùi hoa hay mùi trà nữa, chỉ thấy mùa thu ùa vào từng centimet không khí trước mặt, Nhi thèm được ngủ ghê gớm. Mở tủ lạnh lấy chai Gin còn ¼ ra, cô vừa ngồi hít hà mùa thu vừa uống rượu. Càng lúc mùa thu càng nồng nàn, còn lời hẹn mùa hoa cúc, An ơi…Nhi chìm vào giấc ngủ khi trời chập choạng tối.

***
Anh biết không?Em cứ nghĩ là em đã quên anh thật rối, đã quên mất cả ngày sinh nhật anh, quên mất cả ngày đầu tiên em nhìn thấy người mà em biết là em sẽ khó có thể lãng quên.

Em cứ nghĩ bụi đã phủ mờ hình ảnh của anh, nhưng hình như không phải!

Ngay khi cơn gió lạnh đầu tiên xuất hiện, nó đã thổi bayi những vẩn đục ấy, và vết thương trong em, lại đau đớn giật giã như mới lần đầu.

Làm thế nào để có thể xác định được con đường em đi sẽ dẫn về phía nào?

Rồi em sẽ gặp gỡ những ai? Sẽ yêu những ai?

Đôi lúc em tự hỏi, có những con đường và có những người ta sẽ gặp, sẽ đi qua. Ai sẽ là người cuối cùng? Con đường nào sẽ là con đường cuối cùng?

Em cầm vợt, vớt những mảnh tình yêu, nhưng rồi tình yêu nào sẽ là cuối cùng, tình yêu nào sẽ theo gió bay về trời?

Giống như những cuộc thiên di không điểm dừng?

***
Tỉnh dậy, trời đã tối ngả tối nghiêng, vỏ chai Gin đã được cắm thêm những cành hoa nhỏ. Ai đó đã rất khéo léo tạo dáng cho ba bông hoa trong chai, đầy kiêu hãnh mà vẫn toát lên vẻ dịu dàng tiềm ẩn. Nhi bừng tỉnh, cách cắm hoa quen thuộc này chỉ An mới có thôi. An vừa mới ở đây? Quán vắng , cô nhân viên đang chăm chú vào màn hình máy tính ở góc phòng. Ngoài Nhi, chỉ còn một vị khách lạ ngồi đọc sách ở gian bên kia. Một người lạ! Không phải là An, không bao giờ là An! Cô thở dài, chẳng bao giờ có thể gom nhặt những điều đã rơi mất , không thể một lần nữa vỡ òa rồi tan chảy vào luồng ánh sáng kì dị phát ra từ những ngọn đèn đêm ngoài kia.

Upload Free pictures

***
Tôi biết nói gì về em ,con chim sẻ bé nhỏ đã bay khỏi tay tôi trong một buổi chiều tháng Ba gió lộng .Hôm ấy gió lộng,ban công tầng 8 chòng chành như say, chùm hoa gạo đỏ rực như hút lấy tôi .Cao và xa quá. Vươn tay ra là sẽ chạm vào được. Có thể sẽ rơi và ngã đau. Nhưng chắc chắn sẽ chạm được vào vẻ rực rỡ chói chang kia. Hạnh phúc có lẽ cũng rực rỡ như thế. Mà cũng mong manh lắm thay.

Em xuất hiện trước tôi vào một buổi sáng mùa đông mưa rét .Tôi lao ra ngoài đường lúc 4h sáng , và chạy như điên dại trong mưa. Một người đã ra đi, có liên quan gì đến thế giới, chỉ như một nụ hoa đã tàn, vậy thôi. Lạnh buốt. Tựa lưng vào một khung cửa xa lạ, nghe tiếng piano vang lên nhẹ nhàng , dịu dàng trong mưa.Dịu dàng như em khi khẽ khẽ cười chìa tay ra với tôi. Dòng âm thanh ma mị ấy đã cứu rỗi tâm hồn tôi. Như em!

Con sẻ nhỏ của tôi tung tăng bay lượn trong không gian đặc quánh các loại mùi và ngập tràn màu sắc như thể đấy là bầu trời xanh của riêng em. Còn tôi, say la đà bởi không khí đám đông,cồn cào vì điều gì đó quặn lên trong ruột.Tôi thường ngủ trong lúc chờ em mượn sách ,học bài hay làm bất cứ điều gì trong cái hộp ấy." Nhìn anh ngủ ngoan lắm", em thường thủ thỉ vào tai tôi sau mỗi lần đánh thức tôi bằng một cái cắn nhè nhẹ bên tai rồi kéo tôi lên ban công say. Ban công say - nơi tôi và em gặp nhau mỗi trưa vắng lúc nào cũng có vẻ chông chênh.Tôi ôm em hướng ra ngoài trời, ở trên cao dường như mọi thứ đều nhỏ hơn và xa vời hơn, cảm giác tự do vô cùng.Và cũng hoang dại vô cùng.Tóc em và tay tôi. Mơn man. Gió gào thét. Ô cửa trống rung rung. Tôi thích ôm em ngồi trên ban công huyên thuyên vu vơ, cảm thấy thời gian ngưng đọng lại , sóng sánh và ko tích tắc thêm một giây nào nữa. Ban công say luôn vắng người, nhất là trong những buổi chiều muộn .Chỉ có tôi và em. Chỉ có tiếng em cười khúc khích vang vọng bên ô cửa .Vai em mềm lả lơi trong tay tôi. Môi mềm như cánh hồng hoang trong sương sớm.

Tôi luôn căm ghét mùa thu, ko hề có một lý do cụ thể nào, mà cũng có thể có hàng trăm nghìn lí do. Nắng không gay gắt vàng ươm cho ra nắng, gió chẳng điên cuồng gào thét cho ra gió, mưa chẳng táp vào ngực buốt giá…ở mùa thu cái gì cũng vừa phải và có khi mang một vẻ dịu dàng giả tạo. Tôi đi ngang mùa thu năm ấy bằng đôi chân bất ổn.Từng bước một, tôi phá vỡ những điều vun đắp trong biết bao năm. iống như người đi nhặt củi suốt mùa thu để rồi trong một đêm muốn ngắm ánh sáng lung linh liền đem đốt hết. ửa cháy .Những con thiêu thân lao vào lửa. Tôi đốt ước mơ tôi. Em cóp nhặt những mảnh vụn bay tả tơi trong không trung. Em đưa tôi lên Phủ ,thành kính như một người tràn ngập tín ngưỡng .Tôi chỉ nhìn thấy những nụ hải đường rụng tả tơi bên thềm .Em lại chỉ cho tôi đàn chim sẻ ăn thóc nơi góc sân ,tươi cười rực rỡ như thể đó là cả một điều kì diệu. Cả một điều kì diệu. Có lẽ là như thế chăng?

***

Đã có một số điều xảy ra khiến em cảm thấy rất buồn.
- Em bị đứt tay và anh khuyên nhiều lần là phải mua ampi, nhưng em chẳng thấy viên ampi nào hết
- Em đã rất trân trọng những lúc anh chờ em, nhưng việc chờ với một “willingness” đã không còn nữa, chỉ là sự miễn cưỡng mà thôi
- Em nhờ anh làm một số chuyện nhưng anh cảm thấy “asking too much” – don’t deny – và anh lại miễn cưỡng để “give help”
Và hình như “có một dòng sông đã qua đời, và hình như em không còn vui lắm khi gặp anh, và hình như mình không còn nhìn thẳng vào mắt nhau.
Và có lẽ không gặp nhau hay gặp nhau cũng không phải là điều to tát lắm.
Có lẽ chỉ là thế thôi.
***
Thật kì lạ! Con người ta thường đột nhiên cảm thấy hẫng hụt khi chạm vào những thứ tưởng như ao ước từ lâu. Trạng thái ấy ban đầu tựa như là thỏa mãn, càng về sau càng giống như đạp từng bước xuống vực. Xuống vực. Hai bên là vách đá mềm trơn ướt, ko thể bấu víu vào đâu.Những cành cây cũng rất mềm rủ xuống như những cánh tay người đầy khích lệ cứu vớt, nhưng chỉ chạm vào là sẽ rơi!Vậy những điều ao ước kia có thật không? Tận sâu trong nó là điều gì? Nếu ao ước không phải là thật,thì từng ấy thời gian bỏ ra để theo đuổi một thứ vốn-không-thật chẳng phải đầy xót xa hay sao?

Khi tôi nhận ra xung quanh mình chỉ còn là một màn sương ảo trắng xoá ,cũng là lúc sợi dây neo cuối cùng bị chặt đứt. Kết nối vô hiệu ! Và tôi ra đi.. Mất tích. Ban đầu chỉ là những dấu chấm câu, rồi đến chấm than, rồi đến đôi mắt, rồi đến đôi tai, rồi môi kia cũng im lặng mãi. Mất tích. Con người ta hoang đường hơn trong thế giới này. Hoang đường, ấy là một từ đẹp đẽ đến vô thường!

***

Tối mưa, Nhi về nhà muộn, nước mưa đóng thành băng trên mặt giá lạnh. Hà Nội chòng chành trôi trong những cơn mưa. Lóng lánh. Sóng sánh. Rồi khô cong. Phẳng phiu đến lạ. Lâu lắm cô mới cảm thấy mình ngoan như mèo trong một ngày mưa buồn bã và nhớt nhát thế này. Phố vẫn đang mưa, nửa thân quen nửa xa lạ như giăng kín khoảng không , có ai đang lang thang trong cơn mưa giá rét. Đường bây giờ vắng lắm, chẳng còn mệt những vết chân đi. Một cơn mưa , hai cơn mưa... trong những người ào ào băng qua những cơn mưa, có ai chủ tâm đi về phía mưa để tìm kiếm một kí ức mờ ảo? Một chút. Một chút thôi. Nửa mơ hồ nửa hoang tưởng sẽ gom nhặt được những mảnh kí ức trắng lạc đâu đó trong không gian, nửa mộng mị huyễn hoặc bản thân rằng những điều đã mất luôn là những điều đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Hai người họ không bao giờ gặp lại nhau sau buổi chiều mùa thu hôm ấy. Có lẽ không chỉ là một chuyến đi xa, mà đơn giản là có những điều mãi mãi không thể về, giống như những dòng sông mãi chảy ra biển nhưng biển lại không đầy.

Lâm An