"Viết, là tự lưu đày bản thân" - câu đề tựa gây tò mò này nằm cạnh chân dung nữ tác giả có gương mặt góc cạnh và đôi mắt thuần Việt biết nói đến hút hồn, có thể nói "Vu khống" đã cuốn hút người đọc ngay từ trang bìa.
Cuốn sách này gợi nhớ sâu sắc tới truyện ngắn "Phòng số 6" của Tsekhov. Những căn phòng - chiều không gian khác, chứa đựng những suy nghĩ lạ lẫm đối với phần đông sinh linh tồn tại xung quanh. Suy nghĩ của những kẻ điên. Những căn phòng chỉ có hai màu trắng và xám - màu của đời tàn. Người điên có ưu điểm là cô độc, vô gia đình, không có ký ức và không có cả tương lai. Khi cộng đồng xung quanh hèn nhát, người ta từ bỏ tất cả mọi thứ, chấp nhận một xã hội đồng nhất, bằng phẳng, không màu sắc, chỉ vì người ta sợ bị đau...thì một kẻ sống bằng tất cả tế bào cảm xúc trong cơ thể sẽ hóa điên?
"Tôi đã bỏ mười năm để điên, nó đã bỏ mười năm để viết."
Có sự liên hệ nào giữ những người điên và những kẻ oằn mình với ngôn từ mỗi ngày, dằn vặt bởi câu chữ mỗi đêm? Viết - là tự lưu đày bản thân? Thế nhưng không viết cô sẽ làm gì? Làm gì?
Viết đối với Linda Lê có phải là sự lưu đày bản thân không thì chỉ mình cô biết. Song chắc chắn với cô, viết là một sự sẻ chia những suy nghĩ bí mật nhất - "Cho bí mật phòng 406". Bí mật luôn là liều thuốc kích thích ham muốn của độc giả. Với ngôn từ sắc như một mũi khoan sâu, Linda Lê đưa người đọc từng bước chạm chân vào thế giới của những người điên. Nhân vật chính - một gã da vàng có biệt danh "Chà Chệt" luôn cố thủ trong căn phòng bí mật của mình cho đến một ngày gã nhận được một bức thư đóng dấu quá khứ của cô cháu gái nhà văn - mà gã quả quyết rằng đấy mới là một kẻ điên. Từ đây bắt đầu những cơn mộng mị trắng xoá, chuỗi huyễn tưởng day dứt về quá khứ mặc cảm, và không ngừng tranh đấu quyết liệt để tìm ý nghĩ giá trị tồn tại của riêng mình, tìm cách diễn giải quá khứ theo cách của chính mình.
Đây là cuốn tiểu thuyết không dễ đọc, bởi ngôn từ có khi trống rỗng có những nhảy múa hỗn loạn, và không ngừng thách thức khả năng tự biện của người đọc. Song không phải vô lý mà Linda Lê trở thành một trong những nhà văn xuất sắc nhất trên văn đàn Pháp đương đại, tác phẩm này là một minh chứng cho điều đó. "Vu khống" không đơn thuần là câu chuyện về những người điên, bởi ai điên ai tỉnh nào ai biết? Có bao nhiêu phòng 406 ở giữa những con đường khát cháy, những ban công xám ngắt ngoài kia?
Tôi đặc biệt thích cách đối thoại trong suy nghĩ của nhân vật trong cuốn sách này. Đầy thách thức và không kém phần ám ảnh. Những mẩu chuyện kể, những mảng ký ức chạy rần rật, và cả những màn tự thoại đóng mở...tất cả gợi lên một điều gì đó rất bức bách, cảm giác muốn đốt cháy lên, cháy lên...nhưng rồi lại không làm gì cả. Không có ngọn lửa nào! Because I'm stranger here myself?
I'm stranger here myself!
I'm stranger here myself!
I'm stranger here myself!
"Tôi không hiểu nổi con bé có mục đích gì. Điều gì thúc đẩy nó cứ tích lũy những hành động lập dị, bẻ cong số mạng, chỉ ham các tì tật? Nó sống bằng những chối bỏ, nuôi mình bằng những phản bội. Đã kiêu hãnh là dân Chà Chệt viết văn bằng một ngôn ngữ không phải của mình, nó lại muốn thêm được hồ nghi con hoang, được bán tín bán nghi con lai. Nó muốn được thử thách thần kinh nó. Chính tấm gương tôi thất bại cho nó đủ can đảm đi thám hiểm biên giới của sự lành mạnh tâm thần. Chính hồi ức tôi sụp đổ mười lăm năm trước khiến nó thả mình đắm chìm để dễ vọt lên trở lại. Tôi đã chuẩn bị con đường. Tôi là dược thảo trị độc của nó. Phương thuốc nhiệm màu ngừa điên dại của nó.
Con bé tự thuở nào vẫn chơi cái trò chỉ nhìn hình bóng chứ không bao giờ nhìn chính sự vật. Nếu cứ tiếp tục cái trò ấy quá lâu, thần kinh nó sẽ lâm nguy, và buổi tối lên giường nó sẽ xoa nắn thái dương, tưởng như đầu mình chỉ còn là một cục thịt lởm chởm những đinh.
Họ đã thắng được tôi, có lẽ họ sẽ không thắng được nó. Nó lý luận y hệt tôi: nếu đó là kiếp con hoang, thì sẽ không phải là điên; có tôi giúp, nó sẽ thoát khỏi phải điên. Nó đã tự vệ trước nguy cơ điên bằng cách phân thân. Nó đã muốn thành xa lạ với gia đình, rồi với đất nước với tiếng mẹ đẻ, và sau cùng với chình mình.
Nó nới với tôi nó mất lòng tin từ rất sớm, bản năng nó ngờ vực cuộcđời, một thời gian dài những tiếp xúc với thế giới bên ngoài khiến nó ngột ngạt tê liệt, trong nhiều năm nó đã sống như cụ tổ, xích chân trong chuồng. Đương nhiên nó phải tự xiềng xích mới mong giữ mình vẹn toàn. Nó sợ cuộc đời, bởi mẹ nó là hiện thân của cuộc đời, cuộc đời dưới dạng ghê tởm nhất. Cuộc đời ích kỷ, cay độc, cuộc đời với hết mọi thô bỉ, cuộc đời tà dâm, cuộc đời chỉ vị đồng tiền, cuộc đời thú vật, cuộc đời tùng phục trước kẻ mạnh, cuộc đời bạo tàn với kẻ yếu. Con bé tự bao giờ vẫn ghê tởm cuộc đời - nó tưởng tượng hễ sống là sống như mẹ nó. Nó đã tự xiềng xích mình, tự quản thúc mình. Nó tin nó lâm nguy. Một bên là cuộc đời, cuộc đời nó chỉ hình dung được như hai hàm thép, như cặp đùi mở rộng ham hố thịt da rắn cứng. Bên kia là điên dại. Hoặc là cuộc đời ghê tởm nhớp nháp, hoặc là một cuộc đời khác, một cuộc đời tự do, một cuộc đời như nó khát khao chứ không phải như thói thường - và như thế, đến điên dại chỉ còn một bước.
Nó có thể lựa chọn theo gương mẹ nó hoặc theo gương tôi. Hoặc sống như loài vật, như con bọ chúa tiến bước, giương cặp râu độc ra trước, hủy diệt muôn loài vì sự sống còn của mình. Hoặc vượt lên, và chìm vào điên dại..."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét