2009/09/15

On the road - Jack Kerouac


http://sasidhar.org/blog/wp-content/uploads/2009/07/on-the-road.jpg

"Giấc mơ Mỹ" - lần đầu tiên tôi nghe cụm từ này là khi đọc "Gatsby vĩ đại", khi đó cụm từ ấy gợi một ý nghĩa tươi sáng dù đã nhuốm vẻ buồn bã. Còn khi đọc cuốn "Trên đường" của Jack Kerouac, cụm từ này hoàn toàn tan vỡ. Hiển nhiên, bởi cuốn sách ra đời khi giấc mơ Mỹ đã tan vỡ. Tiếp nối "thế hệ bỏ đi" (The Lost Generation) của Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald là "thế hệ Beat" (The Beat Generation) của Jack Kerouac với những nhịp đập ngầm trong lòng nước Mỹ với jazz, sex, ma túy, sự bí ẩn, những con đường rộng mở đầy khát khao tự do, những con người sinh ra đã vỡ mộng - sự giàu có không làm họ ấn tượng, họ không biết mình đang tìm kiếm nơi nào để nương tựa, nhưng họ vẫn không ngừng tìm kiếm.

"Trên đường" - là một cuốn sách tràn đầy cảm hứng cho những tâm hồn khát cháy tự do, say mê những chuyến đi dài, ham muốn trải mình rộng khắp mọi miền. Nó khiến bạn sẵn sàng bỏ lại tất cả lại và lên đường. Cuộc phiêu lưu xuyên nước Mỹ của đôi bạn thân trong truyện được coi là lấy nguyên mẫu từ chính tác giả Jack Kerouac và người bạn thân của ông là nhà thơ Neal Cassady - mà về thực chất chuyến đi ấy là để tìm kiếm ý nghĩa và sự trải nghiệm đích thực trong mỗi cuộc sống. Đôi bạn thân này (cả trong sách lẫn ngoài đời) đều khiến không ít người vừa yêu vừa ghét, vừa ganh tỵ lẫn thán phục bởi tư tưởng tự do và lạ lùng, chính họ và tác phẩm của họ đã tạo cảm hứng cho rất nhiều thế hệ nhà văn, nhạc sĩ, nhà thơ sáng tác.

Mạn phép bỏ qua những lĩnh vực khác, chỉ xin nhắc tới Rock thì Jack Kerouac và Neal Cassady cũng là khởi nguồn cho rất nhiều sáng tác của những nhạc gạo cội như King Crimson hay Grateful Dead. Ở Album Beat (King Crimson), điểm nhấn của album là ca khúc Neal and Jack and me với nhiều tiết tấu lạ đầy cảm hứng pha trộn jazz vào Prog rock và sử dụng nhiều nhạc cụ mới khiến người nghe vô cùng thích thú. Hay trong bài The Other One của Grateful Dead đã từng nhắc tới Neal với hình ảnh Cowboy Neal :

"The bus came by and I got on, that's when it all began
There was Cowboy Neal at the wheel of the bus to Nevereverland".

http://shelflove.files.wordpress.com/2008/08/ontheroad.jpg

Thực sự, đối với những người thích những chuyến đi, thì cảm giác khi đang "trên đường" là thích thú hơn rất nhiều đối với "đích đến". Thậm chí, có đôi khi chạm chân vào "điểm đến" rồi lại thấy như mình đã mất mát đi một thứ gì đó rất lớn lao. Ấy là một đoạn kết buồn. Có lẽ bởi vậy mà những cuộc hành trình cứ thế tiếp diễn, không thể ngừng lại được, cả trong cuốn sách này lẫn ở ngoài đời thực. Tôi biết chứ, cái cảm quan buồn bã khi ngày một tiến gần hơn tới điểm đến mà mình định trước, cái khoảnh khắc mà những con đường mình đi qua mờ dần đi, rồi cuộc hành trình dừng lại. Rồi, nó giống như là mình đang đi lạc trong sương mù. Có đôi lần khi những chuyến đi dài sắp kết thúc, tôi cảm nhận sâu sắc rằng mình đã đánh mất một điều gì đó rất quan trọng.Thi thoảng tôi không xác định nổi mình đang đi tìm điều gì qua những chuyến đi khi mà trở về cứ không nguôi buồn bã. Ừ, một đoạn ngắt lưng lửng u buồn, chỉ là những quãng nghỉ giữa những chuyến đi thôi mà! Tôi không biết có lúc nào dừng lại được không, những kế hoạch và chuyến đi ấy - nó cứ dài dần ra nhanh hơn là tóc mọc. Mỗi lần như thế, tôi đều nhớ tới cuốn sách này cùng cái kết cũng buồn bã không kém ấy. Thực ra, chỉ là một hình ảnh người ở lại, và một người khác tiếp tục cuộc hành trình thôi, vậy mà sao buồn đến thế?

Trích đoạn:

"Đúng vào giây phút đó một cảm giác kì lạ bắt đầu ám ảnh tôi. Nó là thế này : tôi đã quên béng một việc gì đó. Tôi chuẩn bị đưa ra quyết định trước khi Dean xuất hiện và giờ thì tôi đã hoàn toàn quên mất, nhưng nó vẫn như còn thấp thoáng đâu đó trong đầu tôi. Tôi cứ gặm ngón tay mình trong lúc cố nhớ lại. Tôi thậm chí còn nhắc từng nhắc đến nó rồi. Nhưng giờ thì tôi không còn nhớ nổi đó là một quyết định thực sự hay chỉ là một ý nghĩ bị lãng quên thôi. Nó cứ ám ảnh mãi và khiến tôi buồn.

Carlo Marx và tôi từng có lần ngồi đối mặt với nhau, gần đến mức đầu gối chạm nhau, và tôi kể cho hắn nghe về giấc mơ của tôi, về một tay trông như người Arap kỳ lạ cứ bám theo tôi qua sa mạc, tôi cố sức lủi đi nhưng cuối cùng lão này đã đuổi kịp tôi, vừa lúc tôi sắp sửa bước vào thành phố Che Chở. “Ai vậy”, Carlo hỏi. Hai thằng cùng nghiên cứu vấn đề. Tôi gợi ý : nhân vật này không phải ai khác mà là chính tôi, trùm trên đầu một cái khăn liệm. Không phải như vậy. Đó là một cái gì đó, một ai đó, một linh hồn nào đó cứ đuổi theo ta trên sa mạc cuộc đời và nhất định tóm được ta trước khi ta kịp bước vào thiên đường. Tất nhiên, giờ đây khi trở lại điều bí ẩn này thì đơn giản đó chỉ là cái chết : cái chết sẽ tóm được ta trước khi ta kịp bước lên thiên đường.

Điều duy nhất ta hướng đến suốt cuộc đời mình, khiến ta phải thở dài, thở than và đau khổ một cách thuần khiết nhất, là kỷ niệm về một niềm hạnh phúc đã mất đi mà ta từng cảm nhận trong bụng mẹ, và điều đó chỉ có thể tái sinh trong cái chết, dù ta chẳng hề muốn thừa nhận điều này. Có ai từng ao ước mình sẽ chết? Qua bao thăng trầm, tôi luôn nghĩ đến những điều này tự đáy lòng mình. Tôi kể lại cho Dean hay và hắn nhận ra ngay ở đó nỗi mong mỏi giản đơn là được chết; nhưng vì lẽ không ai trong chúng ta có thể sống lại sau cái chết, nên hắn sẽ chẳng làm gì hết. Tôi đồng ý với hắn.

Và như thế, tôi sống trong bóng đêm. Tôi chẳng có gì để trao cho người khác ngoài sự rối rắm của chính mình."

(On the road - Jack Kerouac)

Lâm An.

2 nhận xét:

  1. Bạn ơi, cho mình hỏi cuốn này có bản Việt ngữ ko bạn ? Mình mún đọc cuốn này lâu rồi mà ko tìm thấy ở đâu có cả >"<

    Trả lờiXóa
  2. Có bạn ơi, của Nhã Nam xuất bản năm 2008 thì phải. Bây giờ ở các hiệu sách vẫn còn, tên tiếng Việt là "Trên đường".

    Trả lờiXóa