2012/11/22

Fiona Apple tuổi ba mươi







Chất giọng alto buồn bã của Fiona từng được so sánh với Nina Simone nhưng "quả táo dại" quyến rũ hơn nhiều với đôi mắt xanh to tròn luôn mở rộng và chiếu ánh nhìn thẳng vào người đối diện. Thật khó để bình thản trước giọng hát và đôi mắt buồn như thế! Nhưng đó là Fiona Apple những năm hai mươi, mảnh khảnh như Kate Moss vì chứng chán ăn, bị ám ảnh tự tử nặng, có thói quen tự làm tổn thương bản thân, rất cực đoan với các vấn đề xã hội và được xem như biểu tượng của thế hệ trẻ Mỹ "mất mát niềm tin" những năm cuối thế kỷ 20. 

 Chất nhạc của Fiona những năm ba mươi vẫn day dứt ám ảnh, nhưng bình thản hơn. Thật khó hình dung cô gái đập phá ngày nào từng tuyên bố không bao giờ sinh con nay lại tuyên bố ước muốn bình dị là chăm sóc những đứa trẻ. "The Idler Wheel" có thể xem như một góc nhìn khác của Fiona về tuổi thơ của mình, so với những ca từ đầy chết chóc, cô đơn hay ám chỉ thế giới xấu xa trong album đầu tay. Album này cũng thể hiện sự đột phá khi Fiona không ngần ngại thử nghiệm fusing jazz cho chất giọng khàn đặc trưng. Các bài hát được sắp xếp ngẫu hứng, mang tới bất ngờ cho người nghe: Cách nhả âm run rẩy trong "Every single night" khiến người nghe phát sốt vì thương cảm, tiếng trống jazz của Charley Drayton hòa với tiếng segues đầy phấn khích trong "Left Alone", cách sử dụng điệp khúc đôi của blue cổ điển trong "Hot knife"... 7 năm ở ẩn để ra được tuyệt phẩm này cũng xứng đáng. Ít ra cũng tuyệt vời hơn nhiều sự trở lại làng nhạc của Alain Morissett với "Havoc and Bright Lights".
Bên cạnh những sáng tác với ngôn từ ma mị, Fiona cũng cover thành công các ca khúc của nhiều tên tuổi lớn như Beatles, Cat Stevens,... trong đó mình cực kỳ thích bài "Across the universe", lần nào nghe/xem cũng thấy ám ảnh như hoang tàn đến nơi


.

"This world is bullshit, and you shouldn't model your life on what we think is cool, and what we're wearing and what we're saying." - Fiona Apple (MTV Video Music Award 1997)

2012/11/16

Buổi sáng ở biển ngày bão



Buổi chiều ngồi cafe, tôi sơn móng tay màu xanh nước biển nhạt và nghĩ về Cửa Đại. Chẳng bao giờ nước biển ở đấy xanh mượt mà như màu trên tay tôi, nhưng luôn chứa đựng những cảm xúc bất ngờ chứ không trống rỗng như bàn tay trước mặt. Buổi sáng cuối cùng ở Hội An, tôi ra Cửa Đại với tôi-những-năm-ba-mươi. Trời báo bão, chúng tôi tới biển thì giông gió, sóng lớn dữ dội ngày cuối tháng dễ làm chùn chân bất cứ người khách lạ nào. Bờ biển xám đục cát và cát, vắng và đẹp hoang hoải. Chúng tôi đi chậm rãi và lặng im. Tôi-những-năm-ba-mươi nhìn dải rau muống biển xanh ngắt với những bông hoa tím biếc tỏ vẻ ngạc nhiên vì sức sống của chúng. Tôi bảo sức sống của loài người còn kinh hãi hơn. Cả hai cùng cười và nhìn ra biển. Sóng bạc đầu dưới chân. 

Mưa lớn không ngờ. Bước vào một quán nhiều màu sắc nhưng vương vất sự điêu tàn của mùa vắng khách, chúng tôi ngắm sóng biển trồi lên trong bão như con ngựa bất kham. Buổi sáng sớm vốn không thích hợp cho những câu chuyện kể. Nhưng những bình cúc đang tàn vương vãi khắp các bàn làm tôi xúc động. Trao đổi vụn vặt về sự khác biệt với số đông, những chuyến đi một mình và tình yêu, chúng tôi tránh nói đến cảm giác đơn độc. Tôi thấy những chân trời mở ra trong cơn bão và nỗi buồn trong tôi-những-năm-ba-mươi. 

Sóng đã dâng cao chạm đến những ngọn rau muống biển. Từ trên rẻo đất cao nhìn xuống, biển thi thoảng đổi màu bởi khoảng sáng lạ lùng từ phía đông hắt về, nhưng vẫn dữ dội như con ngựa bất kham.
Hình như ngựa bất kham tuổi nào cũng như nhau!


2012/11/07

Đời chẳng là gì đâu em

Có lần Vân Anh số 2 bảo "Chị sợ em cứ sống một mình như thế sẽ quen đi, đến mức quên mất mình cần một ai đó ở bên cạnh". Còn Vân Anh số 1 chẳng bao giờ bảo gì tôi, chỉ bắt tôi đi xe bus lên Giảng rồi mua kem cam, hồi đấy vẫn giá một ngàn đồng, cho tôi ăn rồi hai chị em lẳng lặng uống cafe trứng ngắm phố Hàng Gai lên đèn.

.
Bỗng nhiên tôi nhớ Vân Anh số 1 và Vân Anh số 2 thế. Vân Anh số 1 hay bảo Vân Anh số 2 là đàn bà gì khổ thế, sao ba mấy tuổi rồi vẫn thích đọc sách rồi vận vào cái số. Vân Anh số 1 lúc ấy mới gần ba mươi. Giờ cũng mới ngoài ba mươi tuổi, không biết Vân Anh số 1 còn thích đọc sách không. Vân Anh số 2 gần bốn mươi tuổi vẫn thích đọc sách, giờ vẫn thi thoảng nhắn tin cho tôi bảo có sách gì hay nhớ để dành cho chị. 

Bỗng nhiên tôi nhớ Vân Anh số 2 và Vân Anh số 1 thế. Vân Anh số 2 hay bảo Vân Anh số 1 là con gái gì hay ho thế, cỡ như nó chắc zai chết hàng đàn, nhưng thông minh quá lại thích đọc sách rồi cũng khổ. Vân Anh số 2 thông minh và khác lạ nhất đám bạn bè 7x cùng lứa, lúc nào cũng có thể làm các anh luật sư, giám đốc xung quanh sốc lên sốc xuống. Còn Vân Anh số 1 từng làm không biết bao zai tức tối vì bị lừa, vì bị há miệng mắc quai. Chẳng ai tin nổi Vân Anh số 1 lại yêu và cưới một người không liên quan - một người đàn ông bình thường đúng nghĩa, không sách vở không nhạc nhẽo cũng chẳng thích chém gió trên mạng. Sau khi lấy chồng, Vân Anh số 1 tuyệt nhiên không bao giờ nói chuyện về sách vở, nhạc nhẽo, tuyệt nhiên không bao giờ đi chơi đêm hay hút thuốc, uống rượu. 

Sao tối nay tôi nhớ Vân Anh thế? Số 1 và số 2 của cuộc đời tôi, giờ đã yên ổn trong dĩ vãng Hà Nội hoặc không muốn làm tôi bận lòng mà lúc nào gặp cũng tươi hơn hớn như đời chẳng là gì. Ừ, đời có là gì với hai người đàn bà sắc sảo như thế. Đau khổ thì khóc, thì đạp lên mà đi, rồi cười hơn hớn bảo đời chẳng là gì đâu em.

Đời chẳng là gì đâu em! Bất công, mất mát, khổ đau bao nhiêu cũng chẳng là gì so với vẻ đẹp chị thấy mỗi ngày. Vân Anh số 1 bảo rời nhà cũ chỉ tiếc anh chàng hay hát Still got the blue ở đầu ngõ mà tôi canh bao nhiêu lần chẳng bao giờ thấy mặt. Vân Anh số 2 bảo rời nhà cũ chỉ tiếc căn phòng như cái giếng của tôi dán bao nhiêu giấy đen chui vào đấy trốn chồng trốn con thấy vui vui. Tôi thì nhớ đủ thứ, kể ba ngày ba đêm không hết, mà cũng không biết kể cho ai nghe. Vân Anh số 2 bảo tôi cứ viết đi, đừng lo gì hết, chị đây sẽ bắt lũ đàn em ở bưu điện mua bằng sạch. Vân Anh số 1 bảo tôi đừng có viết lách gì, lấy chồng đi cho yên thân, lấy một đứa không sách vở, không nhạc nhẽo gì hết, miễn nó thương mình, tao không tin mày không viết thì không kiếm sống được. Vân Anh số 2 bảo Vân Anh số 1 điên. Vân Anh số 1 bảo Vân Anh số 2 dở hơi.

.
Vân Anh số 1 chưa bao giờ gặp Vân Anh số 2. Cả hai chỉ toàn tranh cãi qua tôi, mặc kệ tôi cười rũ rượi, cười như điên dại mỗi tuần di chuyển từ Vân Anh số 2 qua Vân Anh số 1. Sao ngày hai mươi tôi chăm chỉ di chuyển thế, vừa đi vừa cười ngẫm nghĩ  "Đời chẳng là gì đâu em!"

Đời chẳng là gì đâu em! Đi Sài Gòn chơi vui vui vài năm thì về, sống trong đấy sao được, không có mùa đông còn cafe thì nhạt thếch - Vân Anh số 1 nhắn nhủ trước khi đi. Vân Anh số 2 thì bảo em cứ vào trong ấy, chị sẽ đưa Bống vào cùng, người như chị em mình sống ở Hà Nội thế deck nào được. Vân Anh số 1 lại bảo Vân Anh số 2 bị điên, gần bốn mươi tuổi còn ôm con đi xa làm gì. Vân Anh số 2 lại bảo Vân Anh số 1 dở hơi, chưa già đã tính toán chu toàn mệt cái thân. 
.
Vân Anh số 1 chưa bao giờ gặp Vân Anh số 2. Cả hai chỉ toàn tranh cãi qua tôi, mặc kệ tôi cười rũ rượi, cười như điên dại. Bây giờ cả hai lấy chồng sống yên phận, mua nhà cách nhau chưa đến 1km, ngay gần cầu Thăng Long và cánh đồng loa kèn. Vân Anh số 1 vẫn chưa bao giờ gặp Vân Anh số 2. Mỗi lần xuống sân bay Nội Bài, đi ngang qua khu vực ấy tôi đều không kềm được cơn cười rũ rượi.
.
Nhớ Vân Anh quá, Vân Anh ơi
Đời có là gì đâu, mà sao trôi nhanh quá 

11/2012


2012/11/06

Đi tìm buổi tối nhiều kỳ vọng




Duras viết điều gì đó về sự cô đơn khi ở trong nhà. Tự nhiên tối nay tôi thấy điều đó sai bét. Ít ra, khi ở trong quán cafe thì thấy nhà mình là số một. Trong nhà có trà ngon, nhiều cây để ngắm, nhạc hay để nghe, và nhiều sách hay để đọc. Trong nhà chỉ không có người. 

Trong quán cafe thì có rất nhiều người. Tối nay tôi thấy Duras sai, không phải vì cảm giác cô đơn giữa chốn đông người hay đại loại thế (nếu thấy vậy tôi đã gọi ai đó ra ngồi cùng cho xong). Mà vì tôi nhớ Duras đã miêu tả thế giới bên ngoài thật đẹp để minh chứng rằng nỗi cô đơn vì thế sẽ giảm đi khi bạn ở ngoài. Không như ta ở trong nhà, chẳng có cây cối hay chim chóc chi cả. Đó đã là một lý do để tôi ra khỏi nhà tối nay, để ngồi đây, và thấy lý do đó sai bét. 
.
Bạn trông chờ gì ở một quán cafe? Một bản nhạc hay, một chỗ ngồi đẹp hay một tách cafe ngon? Tất nhiên, có thể là một buổi trò chuyện thú vị với bạn bè, với ai đó chẳng rõ. Tôi chỉ chờ một lý do để kết thúc buổi tối không nên ở nhà. Nhưng như thế cũng là quá nhiều khi ta không có đủ sức đi xa?

Mọi lẽ sẽ giản đơn hơn nếu ta đi tới một quán cafe quen thuộc, biết chắc loại nhạc sẽ được nghe, biết chắc mình sẽ gọi thức uống gì và có thể gặp/ không gặp ai ở đó. Nhưng không kỳ vọng như thế, chẳng khác nào mở nhạc và pha trà hay cafe ở nhà uống cho xong. Vì nhà tôi, đẹp không thua một quán cafe nào ở thành phố này. Điều quan trọng là buổi tối cần kỳ vọng sau giấc mơ chiều bất thường. Buổi tối nhiều kỳ vọng thường diễn ra ở ngoài đường, nơi ta có thể rơi vào cơn say nắng với một chàng trai tưng tưng cưỡi motor đỏ đi xem Skyfall một mình để sau đó khi ngồi ở vỉa hè ta tiếc nuối vì đã không rủ chàng đi chơi hoặc bịa ra lý do gì siêu đẳng để xin số điện thoại của chàng. 

Buổi tối nhiều kỳ vọng thường diễn ra ở ngoài đường, chứ không phải trong bất kỳ quán cafe nào dù quen hay lạ. Thế nên tôi đã làm tan nát kỳ vọng khi chui tọt vào đây, lắng nghe và ngắm nhìn những điều bình thường/bất thường diễn ra trong 36m2. Điều an ủi là tôi đã chứng minh được Duras sai bét. 
Nhưng hoang mang quá, lần sau tôi sẽ lấy ai làm lý do để ra đường khi tìm kiếm buổi tối nhiều kỳ vọng đây?



Một người đàn ông bình thường

Bây giờ đã là tháng Mười Một, nghĩa là dã quỳ đã vàng rực Đà Lạt và mùa đông đã chạm ngõ phương Bắc. Tôi vừa qua cơn bạo bệnh, thấy cơ thể như được thanh lọc dù yếu ớt không tưởng nổi. Đầu óc như trẻ nhỏ, muốn làm rất nhiều việc, trong đó có việc không tưởng như hiểu một người đàn ông bình thường.


.
Năm mười bảy tuổi, tôi nói với một người đàn ông bình thường: Em cảm thấy như sắp chết khi bước qua lứa tuổi này. Vài năm sau người đàn ông bình thường gặp lại tôi và cười bảo: Mừng vì em không chết. Thực ra tôi muốn nói với anh là tôi đã chết rồi. Ở lứa tuổi ấy, có quá nhiều cảm xúc đã qua đời. Tôi đã vật vã bắt đầu với từng mạch cảm xúc mới, với cảm giác xuyên suốt mình sẽ lại chết vào năm hai bảy tuổi. Tôi muốn nói với anh, người đàn ông bình thường mà tôi đã quên mặt quên cả tên, rằng mỗi cột mốc thay đổi trong đời thực ra là một lần chết đi và sống lại. Đời người bao nhiêu lần chết lâm sàng như vậy cho đến khi nắm mắt xuôi tay trong quan tài. Nhưng tôi chẳng hiểu mình nói để làm gì, giữa sân tổng hợp lộng gió như vậy, người đàn ông bình thường chẳng quan tâm.

Bây giờ, sắp hai bảy tuổi, tôi lại có khao khát nói với một người đàn ông bình thường: Em cảm thấy như sắp chết khi bước qua lứa tuổi này. Tôi không biết lần này có phải chết lâm sàng như lần đó không. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được cho đến khi mọi thứ qua đi. Tôi cũng không biết liệu có người đàn ông bình thường nào quan tâm đến những cái chết lâm sàng, sẽ không cười và không nói: Em sẽ không chết đâu. Làm sao một người biết được ai đó có chết hay không vào ngày hôm sau, và vào nhiều ngày sau nữa?




Càng sống và càng đi nhiều, tôi càng cảm thấy mình chẳng hiểu gì về thế giới lẫn những người đàn ông!
Ai đó, chỉ cho tôi cách hiểu một người đàn ông bình thường, để những ngày này qua nhanh, để khi về với tháng ngày rét mướt hay ngập trong thảm dã quỳ, tôi chẳng còn băn khoăn cớ sao mình chẳng hiểu gì?