Huế.đã mưa.những ngày.tôi ở đấy.
Huế, chẳng còn lạ lẫm, nhưng vẫn chẳng thể ngờ, có thể buồn đến thế.
Sớm lạnh, một mình lang thang ra sông Hương bằng những con đường còm cõi còn sót trong kí ức. Vừa đi vừa hỏi, đường nào cũng thấy quen quen. Đã ba năm. Huế bàng bạc sương. Gió lạnh như Hà Nội, mà bảng lảng trầm mặc. Vắng vẻ quá, buổi sáng đầu năm, cả sông Hương xanh ngắt ngằn ngặt cũng vắng. Vẫn đang là ngày Tết, tôi nhớ chứ, bởi thế, cảm giác đầu tiên là dễ chịu và thích làm sao. Mới gặp cố nhân bao giờ chẳng vậy, khi ấy hồi ức và nỗi buồn chưa kịp xâm chiếm. Chỉ có niềm vui gặp gỡ, cùng giao cảm say mê tiết trời mộng mơ. Huế đẹp lộng lẫy trong buổi sáng hôm ấy. Sông Hương - một lần nữa - nuốt chửng tôi, chẳng thể rời xa, đành chọn một khách sạn ven bờ sông, giữa con đường hoa mới làm cho người đi bộ, xao xuyến bồi hồi...
"Người ta chẳng có nhiều mùa xuân ở trong đời đâu" - trong cơn phấn khích quả tôi đã nghĩ như thế thật. Một mùa xuân đẹp như thế, đã lâu lắm rồi tôi không được chiêm ngưỡng, nhất là khi thời tiết mỗi lúc mỗi thất thường, khái niệm mùa nhập nhằng và đầy hoài niệm. Bởi thế, chẳng nên nghĩ ngợi nhiều, cứ thong thả đi bộ, lẩm nhẩm một điệu nhạc, cười thật tươi, tong tẩy qua cầu Trường Tiền sang chợ Đông Ba, vòng qua Cảo Thơm, triền miên bên bờ Hương Giang...chờ những người bạn đồng hành từ Nam ra. Ấy cũng là một cảm giác vui thú, bạn đi một nửa đất nước, bạn của bạn đi một nửa, và gặp nhau ở một nơi cách xa tất cả những điều quen thuộc. Những chuyến đi, vì thế mà trở nên kì thú, vừa có cảm giác chênh vênh một mình, vừa có giao cảm tươi vui của sự gặp gỡ. Cứ thế, cho tới khi chiều tới, bầu trời xám một màu quyến rũ, cũng là lúc nỗi buồn mỉm cười thật tươi.
"Like a bridge over trouble water, I'll lay me down..." - Hương Giang có bao nhiêu cây cầu bắc ngang dòng nước xoáy, và bao nhiêu người đã ngã mình vào khoảng không u buồn? Simon&Garfunkel hát bài này buồn quá đỗi, chẳng hiểu sao lại khơi dậy hi vọng trong lòng nhiều người đến thế? 1969. Ôi 1969, nếu sống ở thời đại ấy, sẽ ra sao nhỉ?
Những buổi sáng thức dậy trong tiếng nhạc của Chopin trong vắt, nước sông Hương ngoài cửa sổ cũng trong vắt, sương sớm trong veo, lòng người vừa tươi vui vừa quạnh quẽ đến lạ. Đã có ai đó lên tiếng về việc nhạc cổ điển có hại cho tim chưa? Những nốt nhạc, tự chúng, có sức tàn phá tế bào rất mạnh, tác động trực tiếp vào nhịp đập của tim, một phần bởi không lời, đôi khi cứ như đang chìm trong câm lặng.
Lũ chúng tôi, những kẻ vượt sông Rubicon, đã ở đó. Và tất cả đều bị nỗi buồn xâm chiếm. Riêng tôi, không đủ sức để đi tiếp, cũng không đủ sức để gặp gỡ bất cứ ai ở Hà Nội, đã trở về nhà, ngủ vùi cho đến khi nỗi buồn im ắng xuống. Những người bạn của tôi cũng vậy, chẳng thể ra HN tiếp như dự kiến, mà lặng lẽ trở lại SG, để ngập trong nắng vàng.
Có lẽ, không ai có thể lý giải chính xác cho nỗi buồn ấy. Sau này cũng vậy, có lẽ những điều nhớ được chỉ là một buổi sáng bên thềm cửa sổ nhìn ra Hương Giang xanh ngắt, tôi đã thấy một con ong chết. Một con ong chết, tôi buồn lắm. Phạm Công Thiện buồn vì điều đó, tôi cũng thế, có sao đâu.
T2/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét